Picnictoy | Tư vấn chọn đồ chơi trẻ em giúp trẻ phát triển toàn diện

Sự phát triển tư duy và nhận thức của bé từ 19 đến 23 tháng tuổi

VÕ SÁNG XUÂN VINH

Ở độ tuổi này, bộ não bé đã phát triển vượt bậc, hệ thống các tế bào liên kết cũng đã phức tạp giống như bộ não người lớn. Tiểu não (phần não sau - dưới hay bán cầu đại não) cũng trưởng thành khá nhanh. Phần vỏ đại não ở phía trước (võ não thủy trán - hốc mắt) cũng đã phát triển trong giai đoạn này, vùng này chịu trách nhiệm vè các hành vi xã hội và khả năng ức chế của các xung động thần kinh.

Suy nghĩ logic

Bé ở độ tuổi này rất thích bắt chước và làm theo những hành động của người lớn, đặc biệt là công việc nhà. Bạn có thể kiểm tra nhận thức của bé bằng cách đưa ra một yêu cầu phức tạp để bé thực hiện, chẳng hạn như “Vào phòng khách và đem đôi giày của con đến cho mẹ”. Nếu bé có thể làm được điều này, có nghĩa là bé có thể hiểu được nhiều thứ - bé phải nhớ phòng khách ở đâu và đi đến đó như thế nào, rồi khi đến đó, tìm đúng đôi giày của mình trên kệ, nhặt chúng lên và mang về cho bạn. Bé nhận thức được tính năng sử dụng của mỗi đồ vật, cái ly là để uống nước, cái mũ là để đội lên đầu. Bé có thể đoán trước được những gì xảy ra tiếp theo đối với bé, ví dụ nếu bạn mặc áo khoác cho bé, bé sẽ bước ra đứng cạnh cửa để chuẩn bị đi ra ngoài. Nếu bạn đưa cho bé một quyển sách ngược đầu, bé sẽ xoay lại cho đúng và ngồi xuống chuẩn bị đọc hoặc lắng nghe bạn đọc.

Để giúp cho nhận thức của bé ngày càng phát triển, bạn nên dắt bé chơi ngoài trời để bé có dịp tìm hiểu thiên nhiên, cây cỏ và sinh vật. Bạn có thể kể cho bé nghe câu chuyện của các mùa trong năm, thời tiết khác nhau thế nào và tên của các con vật gần gũi với con người. Có như vậy, bé mới có khả năng phát triển khả năng đánh giá và cảm nhận môi trường xung quanh của mình.

Bé thích gom/kết hợp những vật thể giống nhau và thích đồ chơi xếp theo thứ tự đơn giản. Bé nhận dạng đồ vật bằng cách chỉ tay, có thể phân biệt được tranh ảnh trong sách. Hiểu rõ hơn về độ sâu và khoảng cách, đồng thời có thể xác định được chi tiết trong một bức tranh. Bé bắt đầu biết suy luận logic, dù nhiều khi suy luận chưa đúng. Bé có thể hiểu được những câu chuyện có tình tiết phức tạp.

Bé đã biết liên hệ giữa một đặc tính với một vật (như có một chiếc xe buýt màu đỏ) và bé có thể sử dụng những khái niệm trừu tượng. Quyền sở hữu có ý nghĩa rất lớn đối với bé nên bé sẽ tìm đủ mọi cách để chứng tỏ đồ vật nào là sở hữu của mình. Bé liên hệ các sự vật của nhau khi chúng xảy ra đồng thời với nhau. Ví dụ khi bạn đang nấu canh cho bé và có khách tới chơi, bé có thể cảm thấy canh không ngon như mọi khi và nguyên nhân là do mẹ do quá bận rộn tiếp khách mà lơ là khi nấu canh cho bé.

 

Bé đã biết liên tưởng và kết nối giữa đồ chơi hoặc hình ảnh trong sách với đồ vật và con vật ở ngoài đời. Bé biết được đâu là xe hơi đồ chơi, đâu là xe hơi thật, đâu là hình ảnh con bò trong sách và đâu là con bò thật ngoài đời. Song song với quá trình đó, bé không ngừng đặt những câu hỏi để tìm hiểu thêm kiến thức của mọi vật xung quanh. Bạn hãy tỏ ra kiên nhẫn và trao đổi với bé càng nhiều càng tốt, bởi vì điều này sẽ giúp cho sự phát triển nhận thức của bé. Ví dụ khi bé chỉ tay và nói “xe”, bạn có thể nói với bé là “đúng rồi, đó là chiếc xe của con. Đó là chiếc xe màu xanh. Con có thích đặt con gấu bông lên chiếc xe màu xanh đó không ?”.

Trí tưởng tượng và óc sáng tạo

Trí tưởng tượng của bé cũng phát triển lên một tầm cao mới. Bé chơi tưởng tượng thường thông qua sự bắt chước. Ví dụ như khi chơi trò trốn tìm, bạn giả bộ như nấp đi rồi bằng cách che mặt lại rồi sau đó lấy tay ra, bé sẽ quan sát những điều bạn làm và bắt chước giống như vậy. Bé nhớ trình tự của các sự việc và giả vờ thực hiện y như vậy. Khi chơi với búp bê, bé sẽ giả bộ rót trà vào cốc, sau đó bỏ đường vào và đưa cho búp bê uống.

Bé thể hiện sáng tạo và năng khiếu nghệ thuật của mình thông qua việc vẽ nguệch ngoạc lên giấy, đã tự vẽ được một số hình đơn giản.

Khả năng ngôn ngữ

Bé nói chuyện khá rành mạch và sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt điều muốn nói với người khác. Bé thường xuyên đặt những câu hỏi. Khả năng ngôn ngữ và phát âm phát triển nhanh chóng, tuy nhiên mức độ khác nhau tùy theo từng bé. Bé đã phát âm đúng các âm như “p”, “b”, “m”, “h”, đặc biệt khi các âm này nằm ở đầu từ. Bé biết tên của mình, biết gọi tên nhiều bộ phận trên cơ thể, có thể sử dụng được trung bình khoảng 200 từ, có khả năng lặp lại nhiều từ bằng cách bắt chước người lớn, có thể nói đúng 40 từ theo đúng ngữ điệu, ngữ cảnh và có thể đặt được câu ngắn với hai từ trở lên.

Trí nhớ của bé lúc này cũng phát triển rất nhiều, bé có thể nhớ những việc xảy ra từ cả tuần hoặc thậm chí cả tháng trước đó. Đây cũng có nghĩa là bé sẽ tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm. Khi bé được gần 2 tuổi, bé có xu hướng sử dụng tay thuận của mình nhiều hơn trong khi vẽ, xếp hình khối hay cầm đồ chơi.

Trong giai đoạn này, trí tuệ của bé giúp bé cảm nhận được sự đầy của bọng đái và đường ruột nên đây cũng là giai đoạn mà bạn có thể tập bé chủ động việc đi tiêu và tiểu. Qua cách thức sinh hoạt của bé, bạn cũng có thể khám phá được bé thuận tay nào. Thông thường bé trai dễ thuận tay trái hơn. Các cặp song sinh cũng có xu hướng thuận tay trái nhiều hơn so với trẻ sinh một.

Picnictoy tổng hợp

 

Tags: bé từ 19 đến 23 tháng tuổi Sự phát triển tư duy
Bạn đang xem: Sự phát triển tư duy và nhận thức của bé từ 19 đến 23 tháng tuổi
Bài trước Bài sau

Giỏ hàng

Gọi ngay cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi email cho chúng tôi
Chọn đồ chơi tại chỗ của chúng tôi