Picnictoy | Tư vấn chọn đồ chơi trẻ em giúp trẻ phát triển toàn diện

Những phát triển thể chất và giác quan nên biết của bé từ 0 - 3 tháng tuổi

VÕ SÁNG XUÂN VINH

Giai đoạn 3 tháng đầu đời là những tháng ngày đầy bỡ ngỡ với bé yêu khi phải tập làm quen với môi trường mới mẻ ngoài bụng mẹ. Sự phát triển thể chất và giác gian đa dạng của bé trong giai đoạn này đóng vai trò quan trọng của cuộc đời bé nên ba mẹ cần biết rõ để quan tâm và chăm sóc bé đúng cách hơn.

Sự phát triển thể chất

Quá trình phát triển thể chất giai đoạn này diễn ra khá nhanh chóng. Ba mẹ có thể quan sát từng phát triển của đầu, tóc, da và thóp của bé một cách dễ dàng.

Khi bé mới sinh, chiều dài của phần đầu chỉ gần bằng 1/4 chiều dài của thân mình và có thể bị méo mó, phẳng dẹt hoặc nhọn do tác động lúc sinh. Tình trạng này sẽ được cải thiện nếu bạn biết cách sắp xếp không gian và tư thế ngủ đúng cách cho bé.

Lúc này, bé đang ở giai đoạn mọc tóc nên thường thưa và thô. Sau đó một thời gian ngắn, dưới tác động của thay đổi nội tiết tố lớp tóc này sẽ rụng dần đi và mọc tóc mới rất nhanh.

Da bé sơ sinh rất mềm mại, đỏ hồng và thường đóng nhiều vảy cho đến khi bé gần 3 tháng thì da sẽ khỏe manh và ít hồng hơn. Riêng vùng da đầu nhạy cảm của bé có thể bị tróc vảy.

Thóp là phần xương đỉnh đầu chưa khép hết của bé được phân ra thóp trước (khe hở hình thoi giữa xương đỉnh và xương trán) và thóp sau (khe hở hình tam giác giữa xương đỉnh và xương chẩm). Kích thước thóp trước rộng từ 0,6 đến 3,6cm và chỉ khép được 1% trong 3 tháng đầu. Trong khi đó, thóp sau lúc mới sinh đã gần khép lại hoặc rất nhỏ chỉ bằng đầu móng tay và gần như khép kín sau 3 tháng. Vì thóp của bé rất mềm nên trong những tuần đầu tiên bạn phải luôn luôn nâng đỡ đầu bé và tránh lắc lư làm tổn thương não bộ.

Những phát triển về thể chất trong 3 tháng đầu đời cho phép bé có những thay đổi nhanh chóng trong vận động thô và vận động tinh.

Phát triển vận động thô

Trong giai đoạn này, sự phát triển thể chất cho phép bé vung tay và đá chân rất mạnh, nhất là khi bé khó chịu hoặc khóc. Những cử động này là những phản xạ nguyên thủy không kiểm soát nhưng vô tình làm tăng sức mạnh cơ bắp, kích thích hệ thần kinh và đặt nền tảng cho những cử động tự ý sau này của bé. Bạn có thể bé nằm sấp thường xuyên và để bé cố gắng ngóc đầu lên. Đó chính là đơn giản giúp bé tăng sức cơ cổ, ngực và cột sống hiệu quả.

Cho bé chơi với thảm để tăng cường khả năng phối hợp tay – mắt tốt hơn.

Bạn cũng có thể giúp bé tập luyện bằng cách sử dụng thảm tập thể dục dành cho trẻ em để kích thích bé rướn người, vươn tay và bắt lấy các món đồ vật. Tuy nhiên, ba mẹ nên cho con tập trong thời gian ngắn để tránh làm bé mệt mỏi.

Giai đoạn này, ba mẹ nên chú ý đừng bỏ bé một mình để tránh trường hợp bé lật và té ngã. Sau 3 tháng, một số phản xạ nguyên thủy ở bé có thể sẽ biến mất.

Phát triển vận động tinh

Khi được 1 tháng tuổi, bàn tay của bé sẽ không còn thường xuyên nắm chặt mà có thể duỗi thẳng và mở rộng ra để cầm lấy đồ chơi một cách linh hoạt hơn. Cho đến khi bước vào tháng thứ 3, các ngón tay của bé bắt đầu xòe ra dễ dàng giúp tăng khả năng kiểm soát bàn tay nên bé bắt đầu biết đập tay và với tay chạm các vật thể. Ba mẹ có thể trang bị những món đồ chơi treo nôi hoặc đồ ngậm nướu dạng xúc xắc vừa tầm tay để bé luyện tập vận động tinh tốt hơn.

Sự phát triển các giác qian

Thị giác

Thị giác là một trong những giác quan quan trọng nhất đối với sự phát triển của trẻ. Lúc mới sinh bé chỉ có thể nhìn trong phạm vi nhỏ từ 20 đến 25 cm nên bé thường chỉ nhìn chằm chằm vào tay mình. Lúc này, bé chỉ biết chớp mắt khi có ánh sáng chiếu vào mặt. Và khi gần 3 tháng, bé biết tập trung nhìn hình ảnh sự vật và đưa mắt theo các sự vật trong phạm vi 20-30 cm. Ngoài ra, bé còn biết nhìn theo bóng người đang di chuyển và thể hiện cảm xúc thông qua ánh mắt.

Giai đoạn này các cơ vận nhãn của bé chưa phối hợp tốt nên bé rất khó tập trung hai mắt để nhìn vào một đồ vật ở gần. Thậm chí, bé có thể có biểu hiện lé mắt khi cố gắng nhìn như vậy. Ba mẹ có thể thường xuyên chơi cùng bé và trang bị những món đồ có nhiều màu sắc để kích thích thị giác bé phát triển hoàn thiện hơn.

Thính giác

Giai đoan này, thính giác của bé bắt đầu trở thành phản ứng có ý thức. Bé biết tìm nguồn phát ra âm thanh bằng cách quay đầu nhìn về phía người nói hoặc máy phát nhạc. Bé cũng sẽ giật mình khi nghe các âm thanh lớn. Lúc này, não bộ đã cho phép bé ghi nhớ giọng nói của mẹ nên bé sẽ có phản ứng khi mẹ gọi bé.

Vị giác và khứu giác

Trong 3 tháng đầu đời bé đã phát triển tương đối vị giác và khứu giác. Ngay lúc mới sinh, bé đã nhạy cảm với vị ngọt và vị chua cay. Bé có thể dùng khứu giác ngay từ đầu và có thể đánh mùi được do đó, khi gặp mùi khó chịu bé sẽ hắt xì hoặc quay đầu đi chỗ khác. Khứu giác của bé nhạy cảm đến mức chỉ cần 5 ngày tuổi là bé đã có thể ngửi được mùi sữa mẹ nên quá trình tìm vú mẹ trở nên dễ dàng hơn. Ba mẹ nên chú ý sử dụng không gian và thực phẩm dinh dưỡng phù hợp với vị giác và khứu giác của bé trong giai đoạn này để bé có được sự thoải mái tối ưu.

Xúc giác

Xúc giác là một trong những giác quan quan trọng giúp bé tìm hiểu thế giới xung quanh. Các đầu ngón tay của bé chứa đựng rất nhiều các dây thần kinh nhạy cảm với chất liệu, nhiệt độ và hình dáng của đồ vật. Giai đoạn này bé vô cùng thích thú với những món đồ mềm mại. Lúc mới sinh, bàn tay của bé thường nắm chặt, tay và chân vẫn trong tư thế bào thai nên hơi co lại.

Kể cả trong lúc ngủ, bé vẫn giữ biểu hiện hơi co tay lại.

Khả năng kiểm soát, nắm chặt các đồ vật chỉ bắt đầu khi bé được 3 tháng tuổi. Các ngón tay của bé bắt đầu linh hoạt hơn giúp bé sử dụng theo ý muốn nên bé có thể chạm vào những món đồ chơi làm bé thích thú.

Để bé phát triển thể chất và giác quan trong 3 tháng đầu đời thật hiệu quả, ba mẹ nên tạo cho bé một không gian rộng rãi để bé có thể nhìn thấy thế giới xung quanh. Ba mẹ có thể sử dụng những món đồ chơi nhiều màu sắc để kích thích thị giác đồng thời mở những bài nhạc cổ điển êm đềm, du dương với âm lượng vừa phải để hỗ trợ phát triển thính giác và trí não cho bé. Khi bé đã biết sờ mó và cầm nắm các đồ vật, cha mẹ nên mua nhiều đồ chơi có chất liệu an toàn và mềm mại để bé tăng cường sự cảm nhận và vận động các cơ một cách tốt hơn.

Picnictoy tổng hợp

Tags: Những phát triển thể chất và giác quan nên biết của bé từ 0 - 3 tháng tuổi
Bạn đang xem: Những phát triển thể chất và giác quan nên biết của bé từ 0 - 3 tháng tuổi
Bài trước Bài sau

Giỏ hàng

Gọi ngay cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi email cho chúng tôi
Chọn đồ chơi tại chỗ của chúng tôi