Picnictoy | Tư vấn chọn đồ chơi trẻ em giúp trẻ phát triển toàn diện

7 kiểu phản xạ nguyên thủy cần lưu ý khi bé 3 tháng tuổi

VÕ SÁNG XUÂN VINH

Ba tháng đầu đời là giai đoạn vô cùng nhạy cảm và quan trọng trong sự phát triển thể chất, tinh thần của bé yêu. Thông qua những phản xạ nguyên thủy hay có thể hiểu là những phản xạ tự nhiên và không kiểm soát được của bé, ba mẹ có thể phần nào xác định được sự hoàn thiện thân não của bé. Phản xạ nguyên thủy ở bé 3 tháng tuổi rất đa dạng, điển hình nhất là 7 kiểu phản xạ: bú và mút, nuốt, tìm kiếm, nháy mắt, giật mình, dợm bước chân, cầm nắm, nghẹo cổ, hắt xì và nháy mắt. Quan sát và lưu ý những phản xạ này chính là cách ba mẹ kiểm soát sức khỏe cho bé yêu một cách tối ưu hơn.

Phản xạ bú, mút

Phản xạ bú là phản xạ cơ bản để tìm kiếm nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể của bé, cụ thể là núm vú mẹ hoặc những bất cứ đồ vật nào chạm vào miệng bé. Lúc này, bé sẽ quay đầu lại, mở miệng và làm động tác bú trong khi bàn tay thì bắt đầu có dấu hiệu vuốt ve.

Bé làm động tác bú trong giai đoạn 3 tháng đầu đời

Phản xạ mút cũng tương tự như phản xạ bú. Điều này có thể quan sát dễ dàng khi chạm nhẹ một vật vào môi bé, ngay lập tức bé sẽ thực hiện phản xạ mút. Nhờ biểu hiện nhanh nhạy này mà ba mẹ có thể dạy cho bé bú bình trong thời gian ngắn. Hành động bú tay của bé cũng thuộc dạng phản xạ này. Ba mẹ có thể đặt các vật an toàn vào miệng con như đồ chơi ngậm nướu để kích thích rễ phản xạ giúp bé phát triển xúc giác linh hoạt hơn.

Phản xạ nuốt

Bằng cách nuốt nước ối lúc còn được bảo vệ trong tử cung của mẹ, bé đã học được phản xạ nuốt một cách khá thành thạo. Phản xạ này nghe có vẻ đơn giản nhưng có vai trò rất lớn trong việc phát triển của toàn bộ cơ thể bé. Nếu bé thực hiện động tác nuốt không bình thường cũng có thể bé đã bị rối loạn nuốt do thương tổn thần kinh trung ương. Vậy nên, ba mẹ cần chú ý quan sát bé khi bú hoặc uống nước để chăm sóc bé kịp thời hơn.

Phản xạ tìm kiếm

Không giống như các phản xạ đơn giản khác, phản xạ tìm kiếm là một phản xạ tương đối phức tạp vì có nhiều thành phần cấu tạo và đòi hỏi ở bé nhiều kỹ năng hơn. Ba mẹ có thể quan sát phản xạ này ở bé bằng cách vuốt nhẹ vào một bên má của bé, bé sẽ quay đầu và miệng về phía má bị vuốt để tìm kiếm. Nhờ có phản xạ này mà khi núm vú của mẹ chạm vào má bé, bé sẽ quay đầu và há miệng ra để ngậm vú mẹ chuẩn xác hơn. Để rèn luyện khả năng tìm kiếm cho con, ba mẹ nên dùng tay vuốt ve trên má hoặc ngang qua khuông mắt bé để kích thích bé xoay đầu theo hướng bạn vuốt.

Phản xạ hắt xì và nháy mắt

Khứu giác và đặc biệt là thị giác của bé trong 3 tháng đầu đời vô cùng mỏng manh và nhạy cảm. Ở giai đoạn này, bé rất mẫn cảm với những mùi hương gay gắt và ánh sáng quá mạnh.

Bé nhíu mắt khi tiếp xúc với ánh sáng quá mạnh.

Bé sẽ thể hiện phản xạ hắt xì khi bị kích ứng khứu giác và nhíu mắt lại khi tiếp xúc ánh sáng. Đây là hai phản xạ phòng vệ giúp bé thông báo mức độ nhạy cảm của mình đến ba mẹ, nhờ đó, ba mẹ có thể điều chỉnh không gian cho bé một cách an toàn và phù hợp hơn.

Phản xạ giật mình

Vung tay chân một cách thình lình rồi nhanh chóng rụt về và bật khóc khi có tiếng động mạnh, cử động đột ngột hoặc những kích thích bất ngờ khác chính là phản xạ giật mình của bé. Đây là phản xạ cơ bản nhất để xác định mức độ phát triển trí não của bé trong giai đoạn này đồng thời cũng thể hiện khả năng nỗ lực để bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm của bé. Thông thường, các biểu hiện này sẽ biến mất khi bé được 3 tháng tuổi hoặc chậm hơn tùy thể trạng của bé. Ba mẹ nên lưu ý và thử tạo phản xạ này cho con, vì nếu bé không có những biểu hiện trên thì rất có thể hệ thần kinh của bé đã bị tổn thương nghiêm trọng.

Phản xạ dợm bước chân

Phản xạ dợm bước chân hay còn gọi là phản xạ bước tự động là biểu hiện thường thấy ở hầu hết các bé trong 3 tháng đầu đời. Chỉ cần được ba mẹ xốc nách, đỡ đứng thẳng và đặt chân bé chạm vào bề mặt nào đó thì bé sẽ muốn rướn chân về phía trước để bước đi. Ba mẹ có thể luyện tập cho con phản xạ này để kích thích bé sớm tập đi hơn.

Phản xạ cầm nắm

Khi bạn đặt ngón tay hoặc những món đồ vật khác vào lòng bàn tay của bé, bé sẽ tự động nắm chặt lại. Lòng bàn chân bé cũng có cùng biểu hiện này khi tiếp xúc với vật khác. Đó chính là những biểu hiện của phản xạ cầm nắm ở bé. Phản xạ này có nguồn gốc tiến hóa tư loài linh trưởng. Nhờ có phản xạ này mà linh trưởng con mới có thể bám chặt vào lông của linh trưởng mẹ để được che chở hoàn hảo hơn. Phản xạ này ở bé cũng chính là biểu hiện tìm kiếm sự an toàn nên ba mẹ có thể giúp con ổn định tâm lý hơn khi cho bé cầm tay. Vì khả năng điều khiển của bộ não còn thô sơ nên bé chỉ biết nắm chặt chứ chưa thể duỗi các ngón tay ra được.

Phản xạ nghẹo cổ

Phản xạ nghẹo cổ sẽ được bé thực hiện khi bạn cho bé nằm sấp. Lúc này, bé sẽ cố gắng điều chỉnh cổ để ngóc đầu lên quan sát sau đó nghẹo cổ về một bên với cánh tay duỗi thẳng. Cánh tay còn lại của bé sẽ gập cong lại giống như bé đang nắm một thanh kiếm vậy. Phản xạ này có thể giúp bé cứng cáp hơn tuy nhiên lại làm bé khá mệt mỏi. Do đó, ba mẹ chỉ nên tập luyện phản xạ này cho bé trong thời gian ngắn.

Ngoài 7 kiểu phản xạ nguyên thủy trên, bé còn có các phản xạ khác như giữ tư thế bào thai, khóc vì sợ không gian kín hoặc Babinski (bé thụt lưỡi vào trong khi bạn ấn vào lòng bàn tay). Hầu hết các phản xạ này chỉ xuất hiện trong 3 tháng đầu tiên và dần dần biến mất khi hệ thần kinh của bé được hoàn thiện. Các phản xạ này ở bé phản ánh một quá trình tiến hóa giống loài đầy thú vị của con người và cũng là cơ sở giúp ba mẹ kiểm soát được năng lực trí tuệ của bé. Trong trường hợp bé tỏ ra kém nhạy bén, ba mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa để sớm phát hiện vấn đề và chăm sóc bé đúng cách hơn.

Tags: 7 kiểu phản xạ nguyên thủy cần lưu ý khi bé 3 tháng tuổi
Bạn đang xem: 7 kiểu phản xạ nguyên thủy cần lưu ý khi bé 3 tháng tuổi
Bài sau

Giỏ hàng

Gọi ngay cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi email cho chúng tôi
Chọn đồ chơi tại chỗ của chúng tôi