Tác hại khi trẻ không được vui chơi
Xã hội ngày càng phát triển, việc chăm sóc con trẻ đòi hỏi các bậc phụ huynh phải đầu tư thời gian và kiến thức nhiều hơn. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết sử dụng đúng phương pháp nuôi dạy con khoa học và hợp lý. Một bộ phận không nhỏ các bậc cha mẹ cho rằng việc kiểm soát con càng chặt chẽ thì càng bảo vệ tốt cho con. Vậy nên, thay vì được phát huy khả năng thiên phú trong vui chơi, những đứa trẻ này phải chịu sự kèm cặp chặt chẽ của cha mẹ và chơi theo cách của người lớn. Những lập luận gần đây của Giáo sư trường Đại học Boston – Peter Gray khẳng định quan điểm nuôi dạy con như vậy gây hại nhiều hơn lợi cho con trẻ.
Vui chơi là một phương pháp tự nhiên nhất để trẻ lãnh hội và rèn luyện những kiến thức mới mẻ. Sẽ là một sai lầm nếu chúng ta cướp mất quyền vui chơi của con vì điều này đem đến nhiều tác hại tiềm ẩn cho trẻ.
Lý do gì trẻ không được vui chơi?
Tim Gill, tác giả của cuốn sách “No Fear: Growing Up in a Risk-Averse Society” cho rằng nỗi lo lắng của cha mẹ về những mối nguy hiểm từ môi trường bên ngoài là nguyên nhân chính dẫn đến việc cha mẹ hạn chế thời gian vui chơi của trẻ, ngăn không cho trẻ khám phá và học hỏi thế giới xung quanh chúng.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho rằng có nhiều nguyên nhân khác khiến trẻ không được vui chơi như: trẻ không có điều kiện kinh tế để tiếp xúc với đồ chơi; trẻ không có anh chị em hay bạn bè để chơi cùng; trẻ dành toàn bộ thời gian cho việc học hoặc trẻ bị cha mẹ “ủ” trong nhà vì lý do an toàn.
Hình ảnh : yeutretho.com
Dù là vì lý do gì thì khi không được vui chơi, bản thân trẻ sẽ phải đối mặt với những tác hại tiềm ẩn to lớn.
Không được vui chơi – trẻ không thể phát triển toàn diện
Một số nghiên cứu cho thấy khi trẻ không được vui chơi đồng nghĩa với việc trẻ sẽ không có cơ hội để phát triển một cách toàn diện về thể chất và trí tuệ.
Nếu không được vui chơi, quá trình phát triển trí tuệ và nhân cách của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một đánh giá được thực hiện bởi tổ chức Play Wales cho rằng nếu trẻ không được vui chơi, đặc biệt là trong giai đoạn từ 0 đến 7 tuổi thì trẻ sẽ dễ bị trầm cảm, sẽ có hành vi bạo lực, chống đối xã hội. Thậm chí, trẻ có nguy cơ suy giảm chức năng nhận thức và năng lực trí tuệ.
Khi không được vui chơi, trẻ cũng mất đi cơ hội giao tiếp với người khác. Theo đó, trẻ không thể phát triển các giác quan và cảm xúc của mình. Dần dần, trẻ trở nên nhút nhát, chậm biết nói, hay sợ sệt khi tiếp xúc với người lạ hoặc không thích nghi được với môi trường học tập.
Trẻ cũng không thể học cách kết bạn, ứng xử cũng như quan tâm và chia sẻ với những trẻ khác. Khi những quy tắc trong ứng xử giao tiếp không được trẻ học hỏi và thực hành trong vui chơi, trẻ sẽ không biết cách kiềm chế khi giải quyết xung đột và hay dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Bản tính ích kỉ cũng sẽ được hình thành vì trẻ thiếu sự sẻ chia với các bạn trang lứa. Khi cha mẹ cách ly trẻ với môi trường vui chơi bên ngoài, trẻ cũng không thể chơi các trò chơi mang tính tập thể như đóng vai bác sĩ, cô giáo hoặc nông dân. Trẻ sẽ không hiểu được bác sĩ sẽ làm gì, cô giáo sẽ làm gì, bác nông dân sẽ làm gì, bác bán hàng thì bán hàng như thế nào, người mua hàng thì phải trả tiền như thế nào... Không được hòa nhập trong môi trường vui chơi tập thể, trẻ chỉ có mình và đánh mất những kỹ năng thể hiện bản thân trước đám đông.
Không được vui chơi, trẻ chỉ biết vâng lời cha mẹ, hành xử như một cái máy và mất đi tính chủ động, sáng tạo vốn có của mình
Việc trẻ dành thời gian cho việc học theo như mong muốn của cha mẹ cũng rất dễ dẫn đến những tác dụng có hại đến quá trình phát triển của trẻ. Những nghiên cứu tâm lý học gần đây chỉ ra rằng việc phụ huynh cho trẻ học trước, học sớm có thể vô tình tạo thành “con dao hai lưỡi”, ảnh hưởng đến quá trình hình thành phát triển nhân cách nói chung và các kỹ năng, thói quen sống không tốt ở trẻ.
Ngoài ra, nếu trẻ đã nắm được kiến thức ở trên lớp, trẻ sẽ tỏ ra lơ là, mất tập trung và xem thường các bạn khác. Lâu dần sẽ trở thành sức ì tâm lý rất lớn trong việc học tập của trẻ. Đối với trẻ lớn hơn, việc dành quá nhiều thời gian vào việc học mà bỏ đi thời gian vui chơi sẽ dẫn đến việc khiếm khuyết kỹ năng sống cơ bản ở trẻ. Trẻ sẽ không biết cách tự chăm sóc cho chính bản thân cũng như đối đầu với những thử thách trong cuộc sống vì đã quen được cha mẹ bảo bọc.
Chỉ khi các bậc cha mẹ ý thức được giá trị của vui chơi và tạo cho trẻ một môi trường chơi an toàn thì trẻ mới có cơ hội được phát triển toàn diện. Hãy tin tưởng và trao cho con cơ hội vui chơi đúng cách. Đừng để trẻ gặp phải những tác hại chẳng đáng có chỉ vì không được vui chơi!
Picnictoy tổng hợp
Nguồn:
Play Wales (2003), Play deprivation, [Online], Available: http://www.playwales.org.uk
Tác hại của việc giữ gìn con quá mức, [Online], Available: http://choicungbe.com