Picnictoy | Tư vấn chọn đồ chơi trẻ em giúp trẻ phát triển toàn diện

Trò chơi điện tử ảnh hưởng thế nào đến trẻ? Phần 2

VÕ SÁNG XUÂN VINH

Trò chơi điện tử ảnh hưởng thế nào đến trẻ? Phần 2

Lượt xem: 1323 Ngày đăng: 

Bên cạnh những lợi ích được đưa ra, nhiều bậc phụ huynh cho rằng chơi trò chơi điện tử làm lãng phí thời gian và ảnh hưởng đến việc học của trẻ. Thêm vào đó, các chuyên gia trong ngành giáo dục cảnh báo trò chơi điện tử tác động tiêu cực đến não, dẫn đến tình trạng nhiều người trẻ trở nên bạo lực và có hành vi chống đối xã hội với tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Những ảnh hưởng tiêu cực được đưa ra bao gồm:

  • Khi chơi các trò chơi điện tử có tính bạo lực, trẻ sẽ có suy nghĩ, cảm xúc và hành vi mang tính gây hấn và hung hăng.  Trong nhiều trò chơi, trẻ còn được thưởng khi có hành vi bạo lực như giết người, đá nhau, bắn nhau... Chính vì lý do đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trò chơi bạo lực có liên quan đến hành vi hung hăng ở trẻ.
  • Khiến trẻ rơi vào tình trạng bị xã hội cô lập. Khi chơi quá nhiều, trẻ sẽ không còn đủ thời gian tham gia các hoạt động như bạn bè cùng lứa tuổi như làm bài tập về nhà, đọc sách, chơi thể thao, tương tác với các thành viên trong gia đình và bạn bè. Giao tiếp xã hội của trẻ cũng một phần nào bị hạn chế do thường xuyên chìm đắm trong thế giới trò chơi.   

  • Một số trò chơi điện tử dạy cho trẻ điều hư như hành vi bạo lực, trả thù, gây hấn sẽ được thưởng. Hay trong một số trò chơi, nhân vật nữ luôn yếu thế và vô dụng hơn. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Đại học Buffalo (Mỹ) cho rằng bạo lực và hành vi xấu trong thế giới ảo có thể giúp trẻ biết cư xử tốt hơn trong thế giới thật. Nghiên cứu cho rằng vì cảm thấy tội lỗi với hành vi của mình trong thế giới ảo, trẻ sẽ nhạy cảm với các vấn đề đạo đức mà chúng đã phạm phải trong khi chơi trò chơi điện tử hơn.  
  • Khiến trẻ nhầm lẫn giữa thực tế và ảo tưởng.
  • Ảnh hưởng đến kết quả học tập. Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc dành quá nhiều thời gian cho trò chơi điện tử khiến trẻ không thể học tập tốt ở trường bằng bạn bè. Không những vậy, trẻ nghiện trò chơi điện tử sẽ có xu hướng muốn tranh cãi với thầy cô giáo, nghịch ngợm trong lớp và đánh nhau với bạn. Nghiêm trọng hơn, trẻ nghiện trò chơi điện tử sẽ muốn cúp học hay không làm bài tập về nhà để có nhiều thời gian cho thú vui này.
  • Trái ngược với các nghiên cứu cho rằng chơi trò chơi điện tử giúp nâng cao khả năng tập trung cho trẻ, nhiều nghiên cứu khác lại cho thấy trò chơi điện tử chỉ giúp trẻ tập trung trong thời gian ngắn và ảnh hưởng không tốt đến khả năng tập trung trong thời gian dài.
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Thói quen ngồi một chỗ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến tư thế và dáng người, gây các rối loạn về cơ và xương như viêm gân, chèn dây thần kinh, hội chứng ống cổ tay. Nhìn màn hình máy tính hay màn hình điện thoại trong thời gian dài cũng làm suy giảm thị lực của trẻ.
  • Trong các trò chơi tương tác trực tuyến, trẻ dễ học theo thói xấu, sử dụng từ ngữ không trong sáng, kết bạn với người xấu và gặp phải nhiều nguy hiểm trong thế giới trực tuyến.   
  • Gây tình trạng căng thẳng và tăng mức độ trầm cảm. Trẻ nghiện trò chơi điện tử thường cảm thấy lo âu khi nhân vật của mình thua kém đối phương hoặc căng thẳng khi phải tìm đối sách để được nâng cấp. Trẻ cũng dễ có cảm giác sợ hãi đối với xã hội.

Lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh khi cho con chơi trò chơi điện tử:

  • Kiểm soát thời gian chơi của trẻ giống như khi kiểm soát thời gian xem tivi hay theo dõi các phương tiện truyền thông khác. Các chuyên gia khuyên rằng chỉ nên cho trẻ tiếp xúc với màn hình điện tử, bao gồm tivi, máy tính, điện thoại,…1-2 tiếng mỗi ngày.
  • Dành nhiều thời gian ở bên và là tấm gương mẫu mực cho trẻ noi theo. Nghiên cứu cho thấy hầu hết trẻ có hành vi bạo lực một phần là do ảnh hưởng từ gia đình. Ngoài trò chơi điện tử và các chương trình tivi không lành mạnh, bạo lực gia đình cũng là nguyên nhân khiến trẻ luôn hung hăng và có thái độ gây hấn.
  • Hướng trẻ tham gia các hoạt động giải trí khác ngoài trò chơi điện tử như đọc sách, chơi thể thao, chơi ngoài trời với bạn.

  • Quan sát hành vi của trẻ. Nếu trẻ có xu hướng bạo lực với anh chị em hoặc bạn bè, hãy ngừng ngay việc cho trẻ chơi trò chơi điện tử. Ngược lại, ví dụ nếu trẻ cảm thấy hứng thú với môn lịch sử khi chơi trò chơi có tính giáo dục, hãy khuyến khích trẻ. 
  • Giới hạn thời gian chơi trò chơi điện tử lại nếu thấy trẻ bỏ bê việc học và điểm số có dấu hiệu giảm sút.
  • Giới hạn thời gian chơi trò chơi điện tử nếu thấy trẻ có lối sống không lành mạnh như thích ngồi một chỗ, không chơi thể thao và không tham gia các hoạt động thể chất.
  • Chơi cùng trẻ. Cho trẻ cơ hội vừa được giải trí vừa được gần gũi bố mẹ. Bên cạnh đó, bạn sẽ dễ dàng giám sát trẻ hơn. 
  • Giải thích lý do vì sao bạn không cho trẻ tiếp tục chơi một trò chơi nào đó. Không nên ngăn cấm một cách cực đoan vì sẽ gây áp lực và ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. 

Cách lựa chọn trò chơi điện tử cho trẻ

  • Chọn trò chơi có xếp hạng phù hợp với độ tuổi của trẻ trước khi mua hoặc cho phép trẻ chơi.
  • Chọn trò chơi yêu cầu người chơi đưa ra kế sách hoặc quyết định tích cực để giải quyết vấn đề thay cho các trò chơi đánh đám, trộm cắp và giết người.
  • Tìm các trò chơi đề cao tinh thần đồng đội và khả năng làm việc nhóm.

Picnictoy tổng hợp và biên dịch

Nguồn: http://www.raisesmartkid.com

Bạn đang xem: Trò chơi điện tử ảnh hưởng thế nào đến trẻ? Phần 2
Bài trước Bài sau

Giỏ hàng

Gọi ngay cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi email cho chúng tôi
Chọn đồ chơi tại chỗ của chúng tôi