Picnictoy | Tư vấn chọn đồ chơi trẻ em giúp trẻ phát triển toàn diện

Khái quát đồ chơi cho từng nhóm tuổi

VÕ SÁNG XUÂN VINH

Khi lựa chọn đồ chơi cho trẻ, cha mẹ thường quan tâm đến việc đồ chơi có phù hợp với trẻ ở độ tuổi đó hay không. Những thông tin sau đây sẽ rất có ích trong việc giúp cha mẹ lựa chọn đồ chơi phù hợp cho con của mình.

  • Đối với bé sơ sinh (0-23 tháng tuổi)

Bé bắt đầu khám phá, nhận biết màu sắc, hình dạng, âm thanh và chuyển động của đồ chơi từ rất sớm, thích quan sát những thành viên khác trong gia đình, thích được đu đưa, bò trườn, tập đi và ca múa. Do đó, cha mẹ nên khuyến khích cho bé chơi với các đồ vật xung quanh nhằm giúp bé hiểu được khái niệm chung về nguyên nhân và kết quả.

Vui chơi là một quá trình tự học hỏi và bé ở giai đoạn này chưa có khả năng tự chơi đồ chơi. Do đó, đồ chơi cần được thiết kế an toàn, có tác dụng kích thích giác quan và tính tò mò của bé.

Những đồ chơi nổi bật trong giai đoạn này là: thú nhồi bông, nôi di động, lục lạc, gương, đồ chơi có nhạc, thảm nằm chơi, đồ chơi điện tử v.v.

  • Đối với bé biết đi chập chững (1-3 tuổi)

Bé ở độ tuổi này di chuyển nhiều hơn với sự phát triển thể chất đáng kinh ngạc. Bé thích bỏ các đồ vật vào một hộp rỗng rồi lại lấy chúng ra khỏi hộp. Bé bắt đầu chơi trò chơi đóng kịch. Khi bé đã phát triển kỹ năng vận động của mình, bé cảm thấy thích thú khi có thể được khám phá, tìm hiểu và bắt chước người khác. Bé thích được đọc và nhìn vào sách, thích xem tivi và cũng thích nắm các đồ vật nhỏ.

Những đồ chơi phổ biến cho bé ở giai đoạn này như: đồ chơi kéo đẩy, trái banh lớn, đồ chơi nước và cát, bộ xếp hình v.v. Đồ chơi cho bé ở độ tuổi này luôn cần có sự giám sát của người lớn bởi vì bé có thể muốn thử thách nhiều hơn (ví dụ đi nhanh hơn, nghiêng người hoặc xoay vòng) trong khi chơi đồ chơi. Đồ chơi cũng nên được rửa sạch vì trẻ thường có khuynh hướng ngậm hoặc cắn.

  • Đối với trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi)

Mặc dù áp lực từ bạn bè có một sự ảnh hưởng tương đối đối với trẻ, cha mẹ vẫn là những người có tiếng nói lớn nhất trong việc chọn lựa đồ chơi cho trẻ. Tuy nhiên, trẻ vẫn thích chơi với đồ chơi mà chúng yêu thích, đặc biệt là khi trẻ có anh chị lớn hơn trong nhà, vì làm chúng có cảm giác trưởng thành hơn.

Trong giai đoạn này, các bậc cha mẹ thường có xu hướng đánh giá quá cao khả năng và trí thông minh của con mình nên thường mua đồ chơi quá khó so với khả năng chúng. Cha mẹ cần nhớ rằng, khả năng và sự trải nghiệm chơi của trẻ ở độ tuổi này rất đa dạng. Cho nên, việc đưa ra chỉ dẫn cho từng món đồ chơi theo từng độ tuổi cụ thể cần được cha mẹ xem xét cẩn thận. Sự phát triển trong xã hội cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển của trẻ, vì thế các loại đồ chơi phải có tác dụng giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội.

Những đồ chơi phổ biến cho trẻ trong giai đoạn này là: búp bê, đồ chơi nấu ăn, đồ chơi nghệ thuật và thủ công.

  • Đối với trẻ tiểu học (6-8 tuổi)

Việc bắt chước bạn bè ảnh hưởng đến việc lựa chọn đồ chơi của trẻ. Tuy nhiên trẻ chỉ thực sự thấy thích món đồ chơi đó nếu nó phù hợp với trẻ. Cha mẹ không nên để trẻ tự do lựa chọn đồ chơi vì trẻ sẽ cảm thấy mau chán chỉ sau vài phút chơi.

Trái ngược với trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn, trẻ ở độ tuổi tiểu học thích tìm kiếm sự mới lạ và thử thách. Sự phát triển xã hội rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Trẻ sẽ học được các kỹ năng làm việc nhóm và sự cảm thông. Còn những đồ chơi ngoài trời giúp trẻ đối diện với những vấn đề rủi ro, giúp trẻ cảm thấy độc lập, tự tin hơn. Việc vui chơi có tổ chức hơn và được định hướng hơn. Trẻ bắt đầu tăng sự nhận thức về nguyên tắc chơi và tham gia vào những trò chơi mang tính cạnh tranh.

Những đồ chơi yêu thích của trẻ trong giai đoạn này là đồ chơi xây dựng, sưu tập (truyện tranh, tem, thẻ bóng chày), búp bê, cưỡi xe đạp, thêu vá v.v.

  • Đối với trẻ thiếu niên (9-12 tuổi)

Một số phân tích gần đây cho thấy trẻ ở giai đoạn vị thành niên thích chơi với đồ dùng dành cho người lớn. Đây là hoạt động mang tính tích cực và cha mẹ nên khuyến khích trẻ chơi trong một chừng mực nào đó. Sự tương tác xã hội đóng vai trò cực kì quan trọng đối với trẻ ở giai đoạn này.

Khi trẻ bước vào giai đoạn tuổi vị thành niên, trẻ muốn tự khẳng định bản thân và thường có dấu hiện nổi loạn. Trẻ muốn thể hiện những gì đối ngược với hình ảnh mà người lớn mong muốn. Trong trường hợp đó, âm nhạc và quần áo là công cụ để trẻ thể hiện bản thân, còn đồ chơi và vật dụng cũng là cách giúp trẻ khám phá tính cách và sở thích của chúng.

Trò chơi thể thao cũng rất phổ biến ở giai đoạn này với những nguyên tắc chơi được áp dụng và tính cạnh tranh cao. Ngoài ra, trẻ cũng rất thích coi phim, tham gia các buổi tiệc, thích nghe nhạc, trang điểm, làm tóc và theo đuổi các xu hướng thời trang.

Picnictoy lược dịch

Nguồn:

  1. Smith, T. P. (ed.) (2002), Age determination guidelines: Relating children’s ages to toy characteristic and play behavior, Consumer Product Safety Commission, United States
  2. National Association of Toys and Leisure Libraries (2008), Good toy guide, London, [Online], Available: http://www.toyshopuk.co.uk/charities/natll.php  [11 Apr 2013]
  3. Encyclopedia of Children’s Health, Play, [Online], Available: www.healthofchildren.com [07 Mar 2013]
  4. Good Toy Guide, Toys for children, [Online], Available: www.goodtoyguide.com [15 Mar 2013]
Tags: Khái quát đồ chơi cho từng nhóm tuổi
Bạn đang xem: Khái quát đồ chơi cho từng nhóm tuổi
Bài trước Bài sau

Giỏ hàng

Gọi ngay cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi email cho chúng tôi
Chọn đồ chơi tại chỗ của chúng tôi