Trò chơi điện tử ảnh hưởng thế nào đến trẻ? Phần 1
Công nghệ ngày càng phát triển đem đến cơ hội cho trẻ em được trải nghiệm vui chơi với nhiều hình thức thú vị hơn và trò chơi điện tử là một trong số đó. Cùng với tính đa dạng và phong phú của trò chơi điện tử trên thị trường, các chuyên gia cũng đưa ra hai luồng ý kiến khác nhau về ảnh hưởng của trò chơi điện tử đối với trẻ nhỏ.
Nhà tâm lý học C.Shawn Green (Đại học Wisconsin) nhận thấy trò chơi điện tử có thể làm thay đổi cấu trúc của não, tương tự như khi trẻ tập đọc, tập chơi đàn dương cầm hay định vị vị trí bằng bản đồ. Một số đông các nhà khoa học và tâm lý học cho rằng tác động này của trò chơi điện tử đến não mang lại nhiều lợi ích cho trẻ, giúp trẻ nâng cao khả năng tập trung, thông minh hơn và dạy cho trẻ cách tư duy tầm cao mà trẻ cần trong tương lai.
Khi chơi trò chơi điện tử, trẻ được rèn luyện một số kỹ năng liên quan đến tư duy trừu tượng và tư duy cấp độ cao để giành chiến thắng bao gồm:
- Tư duy logic và giải quyết vấn đề: Các trò chơi như Angry Bird hay Cắt dây thừng giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo để hóa giải đề bài một cách nhanh chóng.
- Kỹ năng kết hợp tay - mắt, kỹ năng quan sát không gian: Với các trò bắn súng hay bắn tên, nhân vật mà trẻ hóa thân phải vừa chạy vừa bắn, đồng thời quan sát để xác định vị trí bản thân và mục tiêu, kiểm soát tốc độ,...Sau đó trẻ phải cần có khả năng phối hợp tay và mắt, kết hợp tư duy của não bộ để thắng trò chơi. Các nghiên cứu còn cho thấy trẻ có thể học các kỹ năng liên quan đến thị giác, các biểu tượng hay không gian thông qua trò chơi điện tử.
- Lên kế hoạch, quản lý tài nguyên: Một số trò chơi như SimCity, Age of Empires,...giúp trẻ học cách quản lý và lựa chọn cách sử dụng nguồn tài nguyên giới hạn một cách hợp lý nhất.
- Suy nghĩ, đưa ra quyết định nhanh chóng và thích nghi nhanh chóng: Theo các nhà nghiên cứu, các trò chơi liên quan đến các sự kiện mang tính áp lực như trò chơi hành động, chiến đấu có thể là công cụ hữu hiệu giúp trẻ đưa ra quyết định nhanh chóng trong khoảng thời gian giới hạn để giải quyết tình huống phát sinh tức thời.
- Tính chính xác: Trò chơi hành động giúp rèn luyện não bộ của người chơi để đưa ra quyết định nhanh gọn mà không mất đi tính chính xác. Đây là một kỹ năng mà trẻ cần có và có thể áp dụng vào thực tế.
- Phát triển kỹ năng đọc và khả năng toán học: Trẻ có thể phát triển kỹ năng đọc trong khi đọc hướng dẫn chơi trò chơi, mổ tả tình huống hay ngữ cảnh, và sử dụng khả năng làm toán trong các trò chơi phân tích.
- Tính kiên trì: Khi chơi trò chơi đến cấp độ cao và khó hơn, trẻ sẽ có cơ hội trải nghiệm thất bại trong lần chơi đầu, từ đó biết cách kiên trì đến khi thành công. Hoặc ở các trò chơi phải kết hợp vũ khí và năng lượng để đánh bại kẻ thù, trẻ phải thử mọi cách cho đến khi tìm ra công thức kết hợp hoàn hảo.
- Xem bản đồ: Trẻ biết cách sử dụng bản đồ trong trò chơi hoặc tự hình dung ra bản đồ đường đi trong đầu để định vị.
- Khả năng ghi nhớ: Trò chơi tìm hình, tìm số giống nhau, tìm điểm khác biệt,...sẽ giúp trẻ rèn luyện cách ghi nhớ dữ liệu hiệu quả.
- Tập trung: Với bất kỳ dạng trò chơi điện tử nào trẻ cũng cần có khả năng tập trung để đạt được mục tiêu đã đặt ra.
- Mạo hiểm: Ở một số trò chơi, trẻ học được rằng đôi khi phải mạo hiểm để giành được phần thưởng xứng đáng. Đây cũng là một trong những nguyên tắc cuộc sống mà trẻ cần học được để dám đương đầu và không ngại khó khăn.
- Kỹ năng đồng đội: Khác với trò chơi đơn, trò chơi đồng đội khuyến khích trẻ sử dụng khả năng của bản thân, đồng thời hợp tác với nhau để giúp đội giành chiến thắng.
- Trải nghiệm thế giới: Các trò chơi tái hiện thực tế ví dụ như lái máy bay giúp trẻ có cơ hội trải nghiệm thế giới của một phi công, hiểu được công việc của người khác và có thể nuôi dưỡng ước mơ cho sau này.
Ngoài những kỹ năng trên, trò chơi điện tử còn mang đến nhiều lợi ích cho trẻ như:
- Giới thiệu cho trẻ về công nghệ máy tính và thế giới trực tuyến. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ cao, thế giới tinh vi nên trò chơi điện tử sẽ một phần nào giúp trẻ thích nghi và quen với các khái niệm về máy tính.
- Tạo cơ hội cho trẻ vui chơi và kết bạn.
- Tạo cảm hứng học hành cho trẻ: Bên cạnh mục đích giải trí, không ít trò chơi điện tử giúp trẻ học những điều mới mẻ một cách gần gũi và thoải mái nhất.
- Giúp trẻ tự tin hơn: Thông qua việc giành chiến thắng trong trò chơi và lên cấp độ mới, trẻ sẽ thấy tự tin với khả năng giải quyết vấn đề và đương đầu với thử thách.
- Trẻ biết lắng nghe hơn: Ngoài việc biết cách kết hợp với đồng đội, trẻ còn rèn luyện được khả năng lắng nghe người khác, phân chia công việc dựa trên kỹ năng và biết cách truyền tải thông tin hiệu quả hơn.