Picnictoy | Tư vấn chọn đồ chơi trẻ em giúp trẻ phát triển toàn diện

Trò chơi cho bé từ 1 tuổi trở xuống – Phần 2

VÕ SÁNG XUÂN VINH

4. Vui chơi với bé sơ sinh 4 tháng tuổi  

  • Đưa cho bé những đồ vật để bé dễ nhìn, nếm ngửi và nghe. Tập nghe nhạc từ băng, đĩa. Cho bé đồ chơi để bé cầm nắm.
  • Cắt một băng khoảng 2,5 cm từ một chiếc vớ màu và tròng vào cổ tay để bé có thể nhìn thấy, tìm thấy tay mình dễ hơn.
  • Có thể tắm cho bé lâu hơn để bé chơi đùa. Té nước, đạp nước, giỡn với đồ chơi.
  • Lấy tay bạn nắm giữ hai chân bé để bé đạp chống trả lại bạn hay để một cái lục lạc phía trên chân bé để bé chòi đạp nó.
  • Khi giỡn với bé, bạn hãy khen những cố gắng của bé, cười với bé và ôm chặt bé. Bé sẽ thích thú với những tán thưởng của bạn.

 5. Vui chơi với bé sơ sinh 5 tháng tuổi 

  • Cho bé những đồ chơi mà bé có thể nhận những đáp ứng lại từ đồ chơi đó. Ví dụ như một cái hộp nhạc mà bé có thể khởi động khi kéo một cái quai cầm. Ở 5 tháng tuổi, bé có thể chơi trong chiếc nôi có trò chơi hoặc những vật treo có thể chuyển động được.
  • Đặt vào nôi bé một chiếc gương bằng kim loại không vỡ để bé có thể tự thấy mình. Nên chọn một cái gương tốt để bé có thể nhìn thấy hình ảnh mình rõ ràng và nên bảo đảm rằng gương không có cạnh sắc.
  • Lặp lại những gì bé “nói”, động viên bé nói chuyện và phát triển kỹ năng về ngôn ngữ. Nói với bé những từ hay cụm từ ngắn.
  • Tạo cơ hội cho bé gặp những bé khác. Cho chúng nhiều thời gian để nhìn nhau, cười, “nói chuyện” và trườn tới gặp nhau.
  • Đọc sách, truyện cho bé nghe.
  • Làm những khuôn mặt ngộ nghĩnh: Bạn hãy làm những khuôn mặt khác nhau để bé nhìn: cười mỉm, cười thành tiếng, vẫy tay nhẹ nhàng. Bé sẽ thấy rất hứng thú và thậm chí có thể bắt chước bạn.
  • Trò chơi ú òa: Đây là một trò chơi đơn giản, bạn hãy chơi trò trốn tìm và sẽ thấy bé tỏ ra rất thích thú.
  • Hát: Trẻ rất thích nghe giọng nói của mẹ và những bài hát, nó cũng có thể giúp trí não bé phát triển. Bạn có thể hát cho bé nghe khi thay tã, trong xe ôtô và khi đi tắm. Hoặc bạn cũng có thể tự sáng tạo ra bài hát của riêng mình về bất kỳ việc gì bạn đang làm gì.
  • Trò chuyện: Không phải lúc nào bạn cũng có thời gian tạm dừng mọi việc để chơi với bé vài phút. Vậy thì bạn hãy nói chuyện với bé về bất cứ việc gì bạn đang làm (giặt quần áo, nấu ăn). Điều này không chỉ là trò tiêu khiển cho bé mà sẽ đặt nền tảng cho sự phát triển ngôn ngữ của bé.

6. Vui chơi với bé sơ sinh 6 tháng tuổi 

  • Cầm tay bé và cùng vỗ tay với bé khi bạn hát với bé. Hát những bái hát ru bé ưa thích, thay đổi giọng (to, nhỏ, lên xuống), và phát âm từ ngữ rõ ràng.
  • Để bé nằm sấp và nâng cao chân bé lên 8-10 cm so với mặt sàn. Khuyến khích bé đẩy người lên khỏi sàn bằng hai tay bé.
  • Đứng ở một nơi bé có thể thấy bạn và nói với bé rằng bạn đang đi tới bồng bé. Đưa tay bạn ra, khi bé cười, “nói” hay vươn tới bạn, bạn hãy bồng bé lên.
  • Tiếp tục những cử chỉ ôm bé, vuốt ve và yêu thương bé.
  • Trò chơi bé ngồi dậy: Khi bé cứng cáp, bạn đặt con nằm trên sàn nhà rồi từ từ kéo hai tay bé lên ở vị trí ngồi, nói: “Ngồi nhé” khi bé đã thẳng người. Nó giúp chắc khỏe cơ lưng và cơ cổ của bé.
  • Trò chơi vỗ tay – hát: Hát những bài thiếu nhi vui nhộn và và dạy bé cách vỗ tay khi kết thúc bài hát.

7. Vui chơi với bé sơ sinh 7 tháng tuổi 

  • Cho bé xem những cuốn tạp chí và sách hình. Mua những loại mà bé có thể vừa cầm vừa xem.
  • Chơi trò “ú òa” với bé. Bịt đầu bạn lại với một cái khăn tay hay tấm mền con nít và hỏi: Mẹ đâu hay bố đâu? Lấy khăn ra và đến lượt bạn lấy chiếc khăn che bé để bé trốn. Bồng bé trước gương và hỏi bé: Ai đây? Sau đó chỉ vào hình bé và gọi tên bé.
  • Mở nhạc và dìu cho bé nhảy, nói với bé mình đang làm gì.
  • Âu yếm bé thường xuyên và nói chuyện nhẹ nhàng với bé.
  • Rối tay: Chỉ cần lấy một miếng vải cắt ra từ găng tay cũ đã giặt sạch và lồng vào ngón tay rồi đưa tay lên tai, mắt và miệng để trẻ cảm nhận sự khác nhau. Biểu diễn rối tay với các tiết mục: hát, nhảy, cù ki và hôn. Bé sẽ rất thích thú xem buổi trình diễn sống động. Tác dụng của trò chơi này là giúp trẻ phát triển kỹ năng tưởng tượng.
  • Vào và ra: Bé rất thích những đồ vật rỗng như túi, ví, hộp...và chúng sẽ trở thành món đồ chơi rất thú vị khi được bạn hỗ trợ. Cho vào trong hộp nhựa hay bát an toàn 1 số đồ vật thú vị như các khối màu, thú bông, trống lắc rồi đổ ra, nhặt lên thả lại vào hộp/bát. Quá trình cầm nắm các đồ vật sẽ giúp trẻ học hỏi về kích thước, hình dáng và trọng lượng dưới sự hướng dẫn của bạn như to - nhỏ, rỗng - đầy.

Picnictoy tổng hợp

Bạn đang xem: Trò chơi cho bé từ 1 tuổi trở xuống – Phần 2
Bài trước Bài sau

Giỏ hàng

Gọi ngay cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi email cho chúng tôi
Chọn đồ chơi tại chỗ của chúng tôi