Tại sao nhiều món đồ chơi mua về rồi con chỉ "bỏ xó"?
Hẳn nhiều Cha Mẹ đã từng trải qua trường hợp rõ ràng là trông thấy một món đồ chơi rất đẹp và hay ho, nhiều chức năng độc đáo, chắc bụng con sẽ rất thích nhưng cuối cùng mua về trẻ chẳng thèm ngó ngàng đến, hoặc chỉ chơi 1 - 2 lần rồi chán, quăng một góc.
Nếu không muốn nhìn những món đồ chơi tiếp tục bị con “bỏ bơ” nhiều thêm nơi góc nhà, Cha Mẹ hãy tham khảo ngay những nguyên nhân và cách chọn đồ chơi hợp lý cho con bên dưới nhé!
1. Đồ chơi quá phức tạp với con
Cụ thể, với các bé dưới 2 tuổi, đồ chơi cần càng đơn giản càng tốt vì giai đoạn này con chỉ mới bắt đầu tiếp thu các kiến thức về màu sắc, hình khối căn bản từ thế giới xung quanh. Nếu là đồ chơi lắp ráp, chúng nên ở dạng khối lớn, vừa cho con nhận dạng tên các khối vừa để con tránh nuốt vào, và cũng nên có màu sắc sặc sỡ để vừa giúp các con có hứng thú tìm hiểu lại vừa học thêm các màu.
Nếu đồ chơi có thể chuyển động, nên là chuyển động cơ học, tức không cần động cơ mà sẽ nhờ lực kéo, đẩy và sẽ không cần thiết có âm thanh quá sôi động hay ánh sáng chớp nháy liên tục kèm theo. Chất liệu đồ chơi cũng cần mềm,dẻo và có hình dáng tròn trịa (mép không có cạnh sắc hoặc góc nhọn) để hạn chế làm tổn thương làn da non nhạy cảm của bé. Đặc biệt, đồ chơi cho trẻ dưới 1 tuổi không nên có nhạc, đèn vì mắt và tai của trẻ chưa quen với ánh sáng quá chói và âm thanh quá lớn, quá sắc. Tương tự với các nhóm tuổi lớn hơn, đồ chơi cần có công dụng và tính năng phù hợp để tránh việc trẻ không biết cách chơi rồi đâm ra chán.
2. Mua đồ chơi theo…ý thích của Cha Mẹ
Hãy rà lại trong trí nhớ của mình, có bao giờ Cha Mẹ từ chối một món đồ chơi con muốn mua và chọn một món khác vì trông chúng “sặc sỡ hơn, nhiều chức năng hơn, có nhiều nhạc và đèn hơn, tốt cho con để rèn luyện các kỹ năng còn thiếu”, và nhiều lý do khác nữa vì Cha Mẹ đã nghĩ con còn nhỏ nên chúng chưa thật sự biết mình muốn gì đâu.
Một việc hay một thứ không đúng sở thích, sở trường còn khiến người lớn chóng chán thì trẻ con cũng tương tự vậy, thậm chí còn chán nhanh hơn, nên sẽ dễ hiểu nếu món đồ chơi đó chỉ 1 - 2 ngày sau là “xếp hàng” vào hội thanh lý. Lắng nghe con và tôn trọng cái con muốn vừa giúp Cha Mẹ tránh lãng phí mà cũng là một việc nên làm để con cảm thấy ý kiến của mình có trọng lượng trong mắt người lớn đấy.
3. Mua quá nhiều đồ chơi cùng lúc cho con
Nếu trong nhà bạn có 2 cái quạt nhưng khác ở chỗ một chiếc cao cấp hơn vì có thể phun sương làm mát, bạn sẽ ưu tiên dùng cái nào hơn khi trời nóng? Với đồ chơi của các bé cũng vậy, nếu cùng là một loại đồ chơi đóng vai nấu ăn, có thể là kệ bếp, nhưng một chiếc xịn sò hơn vì phát ra được âm thanh chiên, xào, v.v. thì khả năng cao chiếc kệ bếp còn lại sẽ bị “ra rìa”.
Mua quá nhiều món cùng lúc cho con hoặc nhiều món đồ chơi cùng loại cũng là một lý do kinh điển khiến con mau chán, vì chúng rất tò mò nên chưa kịp khám phá hết món này thì đã khui đến món khác để tìm tòi cái mới.
Đồ chơi là người bạn tinh thần rất quan trọng trong thời thơ ấu của con, nên Cha Mẹ hãy để con từ từ trải nghiệm và cũng đừng nên nóng vội để ôm đồm cho con quá nhiều thứ mới cùng lúc nhé! Quan trọng nhất là nên luôn hỏi ý kiến con để biết con thích gì, cân nhắc với độ tuổi và những kỹ năng mà con cần để vừa chọn được đồ chơi hay mà lại không lãng phí tiền của Cha Mẹ nhé.