Picnictoy | Tư vấn chọn đồ chơi trẻ em giúp trẻ phát triển toàn diện

Khám phá trí thông minh của trẻ - Chìa khóa để thành công thời 4.0

VÕ SÁNG XUÂN VINH

Tuần trước Picnictoy đã đề cập đến các cách thức để khám phá trí thông minh logic của trẻ. Nhưng trí thông minh logic chỉ là một trong 9 loại trí thông minh của trẻ. Do vậy đánh giá một đứa trẻ không thông minh khi bé không làm tốt các phép tính hay thất bại trong các trò chơi logic là quan niệm sai lầm. Để trẻ có thể phát huy tối đa trí thông minh của mình, cha mẹ hãy để trẻ phát triển tự nhiên chứ không bắt buộc phải gò ép một loại trí thông minh nào đó theo ý muốn của cha mẹ. Mỗi đứa trẻ đều có những năng khiếu nhất định và hoàn toàn có thể dẫn đầu trong lĩnh vực trí thông minh của mình. Việc phát hiện sớm bé sở hữu loại hình trí thông minh nào có thể giúp cha mẹ giúp con định hướng đúng và thành công trong tương lai.

Tuần này, Picnictoy sẽ đề cập đến trí thông minh cảm xúc của trẻ.

 

 

Vì sao cần quan tâm trí thông minh cảm xúc?

Trí thông minh cảm xúc là một trong các trí thông minh quan trọng nhất để một đứa trẻ thành công ở thời đại công nghiệp 4.0 này. Trong thời đại ngày nay, tất cả mọi thứ đều có thể làm bằng robot, bao gồm những công việc tay chân và trí óc. Mọi công việc đều có thể được máy móc học hỏi và làm tốt. Vì vậy, có rất nhiều công việc dành cho người sẽ được máy móc thay thế. Nhiều người sẽ thất nghiệp và sẽ phải chuyển ngành nghề. Tuy nhiên, người ta nhận thấy cảm xúc phong phú và phức tạp của con người vẫn là một thách thức với trí tuệ nhân tạo (AI), vì cảm xúc không đơn giản như logic toán học để AI có thể học tập dễ dàng. Vì vậy, những công việc đòi hỏi phải nắm vững và kiểm soát cảm xúc sẽ tiếp tục được trọng dụng.

Vậy nên, để thành công trong thế kỷ 21 này, không phải trí thông minh logic mà là trí thông minh cảm xúc mới là yếu tố quan trọng nhất. Cha mẹ cần tìm hiểu về trí thông minh cảm xúc của trẻ để bồi dưỡng đúng cách từ sớm. 3-4 tuổi là cột mốc rất quan trọng cho việc phát triển khả năng học hỏi về cảm xúc, hình thành và phát triển tính cách, biểu hiện cảm xúc và kỹ năng giao tiếp của trẻ.

Cha mẹ cần tìm hiểu 3 năng lực về trí thông minh cảm xúc của trẻ:

Trẻ có hiểu được cảm xúc của người khác?

Đọc và hiểu cảm xúc là một dấu hiệu của trí thông minh cảm xúc. Nhận thức của trẻ về cảm xúc của mọi người xung quanh sẽ phát triển theo thời gian. Từ 3-4 tuổi, trẻ đã dần hình thành mối quan tâm đến cảm xúc và tâm trạng của người khác, bắt đầu nhận biết được cảm xúc của mọi người xung quanh. Cha mẹ cần để ý xem trẻ có biết “đọc” nét biểu cảm trên khuôn mặt của cha mẹ, bạn bè, người thân trong gia đình để xác định cách trẻ ứng xử phù hợp hoàn cảnh không. Cách dễ nhất là cha mẹ quan sát xem cách trẻ ứng xử trong môi trường vui chơi tập thể cùng với các trẻ khác.

 

 

Trẻ có giỏi biểu hiện và kiềm chế cảm xúc?

Trí thông minh cảm xúc còn thể hiện ở khả năng hiểu cảm xúc của bản thân và biểu cảm ra ngoài, đồng thời kiềm chế cảm xúc. Dù chưa có đủ vốn từ, trẻ vẫn có thể hiểu và diễn đạt cảm xúc qua ngôn ngữ hình thể cảm xúc yêu thương, vui buồn, chán nản, thất vọng của mình. Muốn xem trẻ biểu hiện các loại cảm xúc khác nhau, tốt nhất cha mẹ cần cho trẻ chơi các trò chơi đóng vai để trẻ thỏa sức biểu đạt các loại cảm xúc tích cực và tiêu cực (yêu thương, biết ơn, tự tin, sợ sệt, ghét, tức giận, v.v.). Trẻ thể hiện cảm xúc qua việc tỏ ra vui vẻ hay nổi giận trong quá trình chơi tập thể, hoặc bày tỏ sự khó chịu, đôi khi không kiềm chế được và tranh giành phần chơi của các trẻ khác. Ngoài ra, cha mẹ hãy xem trẻ thể hiện cảm xúc với đồ chơi (ví dụ thú nhồi bông), cây cảnh, các con vật trong nhà. Trẻ thể hiện nhiều cảm xúc và biết kềm nén cảm xúc trong nhiều hoàn cảnh khác nhau có khả năng đạt chỉ số EQ cao.

 

 

Trẻ có đồng cảm với người khác?

Hiểu cảm xúc người khác và chia sẻ, thông cảm với người khác là một năng lực không phải trẻ nào cũng có. Trẻ có khả năng chia vui với bạn bè, cha mẹ, hay biết an ủi, đồng cảm với nỗi buồn của người thân là trẻ có trí thông minh cảm xúc rất tốt. Thông thường, trẻ gái thường bộc lộ sớm kỹ năng này hơn các bé trai. Ở lứa tuổi nhỏ, việc đồng cảm thể hiện ở việc trẻ trở nên sẵn sàng hơn trong việc chia sẻ đồ chơi của mình cho những trẻ khác. Trẻ biết nhường nhịn và thay phiên nhau chơi, học khái niệm về chơi công bằng hay biết cách phát triển thêm mối quan hệ bạn bè khác ngoài gia đình mình thường có khả năng đồng cảm tốt.

Bạn đang xem: Khám phá trí thông minh của trẻ - Chìa khóa để thành công thời 4.0
Bài trước Bài sau

Giỏ hàng

Gọi ngay cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi email cho chúng tôi
Chọn đồ chơi tại chỗ của chúng tôi