12 trò cho trẻ vui chơi bổ ích từ vật dụng gia đình
Bạn muốn tìm kiếm những hoạt động vui chơi đơn giản để kích thích trí tưởng tượng cho trẻ ở độ tuổi chập chững biết đi hay trẻ học mẫu giáo? 12 trò chơi với các vật dụng cơ bản trong gia đinh dưới đây sẽ là gợi ý lý tưởng để con bạn giải trí và thỏa sức tưởng tượng suốt cả ngày. Hãy cùng xem thử nhé:
1. Chơi đồ hàng
Không cần đến những món đồ chơi mắc tiền, bạn vẫn có thể tạo ra một cửa hàng mua sắm cho trẻ. Hãy dùng những hộp đựng giấy ngũ cốc hay hộp nhỏ đựng thức ăn không dùng đến nữa để làm thành một “cửa hàng” nhiều màu sắc. Sau đó đưa cho trẻ một túi giấy hoặc rổ nhựa có tay cầm để trẻ làm giỏ đi chợ và tha hồ “mua sắm” những món hàng bắt mắt.
2.Thi hóa trang
Quần áo cũ cũng có thể trở thành món đồ chơi thú vị cho bé. Bạn cần chuẩn bị hai vali hoặc hai túi đựng các trang phục như chiếc mũ dí dỏm, bộ đồ chàng hề,... Sau đó hai đội hoặc chỉ cần có bố/mẹ và bé thi đấu với nhau xem ai hóa trang với trang phục hài hước nhất và đáng yêu nhất. Lưu ý đồi với quần áo cũ, bạn cần giặt sạch sẽ trước khi mang cho bé chơi để đảm bảo sức khỏe cho bé nhé.
3.Bóng chày trong nhà
Đây là một trò chơi giải trí trong nhà an toàn cho trẻ. Hãy chuẩn bị cho trẻ các ống bìa ứng tái chế để làm gậy đánh bóng và bóng bay nhiều màu sắc để làm quả bóng chày siêu mềm. Càng nhiều bé tham gia thì trò chơi càng thú vị hơn.
4.Bóng bay diệu kỳ
Bóng bay còn thừa lại từ những bữa tiệc có lẽ là đồ chơi mà trẻ yêu thích nhất. Tung hứng bóng bay giúp trẻ nhận thức về trọng lực và tĩnh điện. Hoặc bạn có thể chiếu đèn nháy vào những quả bóng bay tạo các đốm sặc sỡ trên trần nhà và để trẻ pha trộn nhiều màu sắc khác nhau để tạo ra màu mới.
5.Nhà trong nhà
Trẻ chập chững biết đi và trẻ học mẫu giáo rất hứng thú với những trò chơi liên quan đến nhà cửa. Bạn có thể biến thùng giấy bìa cứng lớn như thùng đựng tủ lạnh, tivi thành ngôi nhà và cùng trẻ trang trí thêm cửa sổ, cửa ra vào cho ngôi nhà.
6.Trò chơi với thú nhồi bông
Những chú gấu bông ngồi yên bất động có thể đóng một vai trong vở kịch hài hước do bé tạo ra. Hoặc từ nhiều loại thú bông khác nhau, bạn cho trẻ chơi trò “Đố chữ” bằng cách dùng cử chỉ và tiếng động để diễn tả con vật đó. Trò chơi này sẽ kích thích trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo ở trẻ. Một trò chơi thử độ nhanh nhạy đó là cho trẻ đi thành vòng quanh những chiếc ghế được xếp theo vòng tròn có thú nhồi bông ngồi trên, bật một bài nhạc trẻ thích và khi nhạc dừng, bé phải chụp lấy một chú thú bông một cách nhanh nhất có thể.
7.Chai nước đa năng
Xếp các chai nước vào vị trí tạo thành con ky cùng với một quả bóng cao su cho bé chơi bowling. Một trò khác đơn giản hơn là trò “Nắp nào cho đúng”, bé sẽ phải tìm và vặn đúng chiếc nắp cho nhiều chai nước với kích thước và màu sắc khác nhau. Hoặc bố mẹ có thể thả bột kim tuyến vào chai nước đầy để trẻ lắc và quan sát. Lưu ý nhớ dính nắp chai thật kỹ để trẻ không mở ra uống.
8.Kẹo mềm nghệ thuật
Đây là một trò chơi đầy tính nghệ thuật và giúp trẻ phát huy sự khéo léo. Bày ra vô số các viên kẹo mềm dẻo đa sắc cùng vài chiếc tăm để các “nghệ sĩ nhí” xâu chuỗi và sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật của riêng mình.
9.Tập xâu hạt
Xâu hạt giúp bé phát triển sự khéo léo. Bố mẹ cần chuẩn bị các đồ vật có lỗ xuyên và như sợi mỳ ống lớn, các cuộn rỗng hay thậm chí là lõi giấy vệ sinh cùng với các sợi dây giày. Giờ thì bé chỉ việc tìm cách xâu các đồ vật lại với nhau theo thứ tự mà bé thích.
10.Thư cũ
Những lá thư cũ bạn muốn bỏ đi có thể trở thành món đồ chơi mang tính giáo dục cho trẻ đấy. Bố mẹ có thể dùng một chiếc hộp nhỏ và khoét một đường rãnh ở trên để tạo thành hộp thư giả cho bé tập bỏ thư vào thùng. Ngoài ra bạn có thể dạy trẻ tập viết chữ hay thậm chí là viết một bức thư từ những lá thư cũ này đấy.
11.Bãi cát trong nhà
Trời mưa làm hạn chế hoạt động ngoài trời, đặc biệt là trò nghịch cát của trẻ? Đừng lo! Hãy tạo một “hộp cát” trong nhà bằng các hạt đậu khô, gạo, ngũ cốc, muối,...Đưa cho trẻ những chiếc thìa gỗ và cốc để đào, xúc, đổ “cát” như ý muốn.
12.Đất sét
Các viên đất sét tự chế ở nhà rất hữu ích trong việc kích thích sức sáng tạo của trẻ chập chững biết đi và trẻ đến tuổi đi học. Tất cả nguyên liệu cần có để tạo ra loại “đất sét” này là muối, bột mì và nước (có thể dùng thêm màu thực phẩm nếu muốn). Giờ thì chỉ việc trộn tất cả với nhau để tạo thành viên bột cho trẻ nhào nặn.
Picnictoy biên dịch và tổng hợp
Nguồn: www.fun.familyeducation.com