Trang chủ Liên hệ

Hoạt động vui chơi ở trẻ em - Phần 3

VÕ SÁNG XUÂN VINH 22/03/2022

 

Trò chơi trẻ em rất đa đạng, tuy nhiên qua nghiên cứu người ta có thể xếp chúng vào 7 loại với những nét đặc trưng qua đó cũng cho thấy sự phát triển của trẻ em qua các kiểu vui chơi này.

Phần III : Các kiểu hoạt động chơi

Theo Viện Nghiên cứu Quốc gia về Chơi Tại Hoa Kỳ (National Institute for Play – 46 West Garzas Rd., Carmel Valley, CA 93924 – nifplay.org) có 7 kiểu hoạt động chơi ở con người, phát triển từ trẻ nhỏ đến người lớn trong những dạng hành vi khác nhau. Ở trẻ nhỏ từ 0-6 tuổi, các dạng hành vi trong các kiểu chơi này như sau:

 1. Chơi hòa hợp (Attunement Play)

Trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi khi được tiếp xúc với mẹ, trẻ thấy hình ảnh mẹ, những trải nghiệm vui sướng do mẹ mang lại. Trẻ đáp ứng lại những nụ cười, khuôn mặt và giọng nói kiểu trẻ con (baby talk) của bà mẹ dành cho trẻ. Có thể nói, khuôn mặt người là “vật” đầu tiên cho trẻ nhận biết hình dạng của mắt, mũi, miệng. Trẻ 3 tháng tuổi có thể nhận biết khuôn mặt mẹ mình trong nhiều khuôn mặt khác. Những hoạt động vui thú của trẻ lúc này là được ẫm bồng, được no thoả, được nghe âm điệu triều mến và cảm nhận cảm xúc vui vẻ của người mẹ. Những trải nghiệm của niềm vui này được ghi trên bán cầu não phải, là nơi tổ chức điều khiển cảm xúc hoà hợp đầu tiên giữa trẻ và mẹ.

 2. Chơi vận động thân thể (Body Play and Movement)

Kiểu chơi vận động thân thể là niềm vui thú của trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi. Về vận động thể lý, trẻ thích xoay trở lật mình, tập ngồi, tập đứng và tập đi, trẻ cảm nhận cảm giác giữ thăng bằng và cảm giác về trọng lượng của mình. Trẻ vận động cơ thể liên tục: tay vung vẫy, chân đá, toàn thân nhún nhẩy. Trẻ bắt đầu phát triển vận động tinh tế của bàn tay, ngón tay bằng việc thao tác trên nhiều đồ chơi khác nhau. Ngoài ra, trẻ nói líu lo nhiều để cảm nhận vận động của dây thanh quản, để nghe âm điệu cho mình tạo ra.

 3. Chơi với đồ vật (Object Play)

Từ rất sớm trẻ đã có kiểu chơi với đồ vật. Đồ chơi giúp những đặc trưng nhân cách được cá thể hoá cao, ví dụ trẻ trai hoặc gái có những đồ chơi yêu thích riêng. Đồ chơi cũng giúp những kỹ năng thao tác công cụ phát triển. Bàn tay của trẻ được chơi trên nhiều kiểu đồ chơi khác nhau sẽ giúp não phát triển những kỹ năng thao tác khéo léo.

Kiểu chơi này và kiểu chơi vận động thân thể nằm trong giai đoạn Giác động mà Piaget mô tả. Trẻ trải nghiệm cảm giác cơ thể và vận động thể lý với đồ vật và với người khác. Những hành vi của trẻ phát triển từ những phản xạ sinh học giúp trẻ sống còn, đến những hành vi có tính tri giác dựa trên việc lập đi lập lại những cảm nhận giác quan. Khoảng 6 thàng đầu, sơ cấu hành vi đơn giản đã hình thành thông qua những hoạt động thử và sai. Trẻ sử dụng những sơ cấu hành động như kéo, đẩy, cầm, nắm, quăng, nhặt đồ vật để trải nghiệm cảm giác và vui thú những chuyển động. Khi trẻ làm chủ những khả năng vận động, những sơ cấu đơn giản sẽ phối hợp tạo thành chuỗi hoạt động chơi phức tạp. Trẻ đẩy banh và trườn lên banh, tìm trái banh bị mất. Trẻ 9 tháng tuổi đã biết xếp đồ vật thành hàng, trẻ chơi với vật theo cách thức giống nhau và xem cách đồ vật tác động trở lại. Bằng việc đẩy những độ vật khác nhau, trẻ học được rằng trái banh thì lăn đi, cái ống thì xoay tròn, cái lục lạc thì phát ra tiếng. Khoảng 12 tháng tuổi, trẻ biết chơi với vật theo những cách khác nhau và riêng biệt hơn trước. Trẻ sẽ quăng hoặc đá trái banh, sẽ lắc cái lục lạc. Trẻ nhỏ trong năm thứ hai, nhận biết chức năng của vật trong thế giới xã hội. Trẻ đặt cái tách lên đĩa, bỏ muỗng vào mồm.

 4. Chơi có tính xã hội (Social Play)

Chơi có tính xã hội được hiểu nghĩa hẹp là chơi có sự tương tác với người cùng chơi. Có một động lực thúc đẩy tự nhiên trẻ tham gia chơi với người khác. Từ 2 đến 3 tuổi, trẻ có những hoạt động chơi ngắn ngũi với bạn cùng tuổi, dù chưa biết chia sẻ đồ chơi với bạn. Trẻ bắt đầu bằng việc chơi “song song”, không nhận thức được cảm giác của bạn cùng chơi và trạng thái của trò chơi. Trẻ khó chịu trong việc chờ đợi đến lượt chơi. Ở độ tuổi này, trẻ học được rất nhanh qua việc bắt chước hành vi của người lớn, thể hiện trong hoạt động chơi.

Sự phát triển của hoạt động chơi có tương tác với người khác dần dần giúp trẻ hình thành mối quan hệ tình bạn, biết đồng cảm với người khác và ý thức giới tính bắt đầu hình thành. Đến 3 - 4 tuổi, trẻ đã có thể chơi với một nhóm bạn, biết vui buồn cùng bạn. Các hoạt động chơi phân chia theo đặc trưng giới tính rõ ràng. Trẻ trai thì chơi những trò đánh nhau thô bạo và ầm ĩ, trẻ gái thì được hướng đến những trò chơi búp bê nhẹ nhàng.

Khi 5 tuổi, trẻ bắt đầu thích những trò chơi định hình với người cùng tuổi. Trò chơi có luật (Game) là dạng chơi dễ nhìn thấy ở nhóm trẻ chơi chung. Trò chơi thường liên kết hai hoặc nhiều bên tranh đấu hoặc đồng thuận để xác minh bên thắng cuộc sau cùng. Luật chơi được thiết lập để hướng dẫn hành vi của nhóm trẻ. Trẻ phải chọn phe là đồng minh và đánh bại phe còn lại theo đúng luật đã giao. Các hoạt động chơi tập thể này rất cần thiết để giúp trẻ phát triển và duy trì nhận thức xã hội, trẻ học được cách phối hợp hoạt động với nhau để đạt chung một mục đích, cách làm chủ mình trong nhóm, học được sự chịu đựng, sự công bằng và lòng vị tha.

Dạng hoạt động chơi có tính xã hội cao là hoạt động chơi tổ chức ăn mừng (Celebratory Play) như tổ chức vui chơi sinh nhật, ngày kỷ niệm, lễ hội. Những hoạt động vui chơi này lôi kéo nhiều người tham gia, có tính tổ chức cao, phân công vai trò chặt chẽ. Từ nhỏ, đứa trẻ được tổ chức sinh nhật, hoặc tham gia vào những ngày kỷ niệm của gia đình, sẽ dần hiểu rằng mình là một thành viên trong một gia đình lớn của dòng họ, và sau này là của xã hội.

 5. Chơi chuyển đổi, kiến tạo và tác hợp (Transformative and Creative and Integrative Play

Kiểu chơi này là sự thăng hoa giữa trí tưởng tượng được nuôi dưỡng và kiến thức khoa học được bồi đắp. Ở trẻ nhỏ, những ý tưởng từ sự kết hợp những yếu tố logic và không logic thường trộn lẫn: trẻ có thể chỉ khối gỗ là cái cây, nhưng cũng có thể cầm “cái cây” đó lên làm điện thoại. Trẻ có thể kết hợp nhiều đồ chơi tạo nên một khung cảnh tưởng tượng.

6. Chơi tưởng tượng và giả vờ (Imaginative and Pretend Play)

Hoạt động chơi giả vờ trở nên nổi bật khi trẻ có khả năng tái hiện bằng biểu tượng những kinh nghiệm mà chúng có được. Trong hoạt động chơi phức tạp này, trẻ có cả một kế hoạch hành động, tự đóng vai nào đó, và chuyển dạng những đồ vật để diễn tả tư tưởng và cảm nghĩ về thế giới xung quanh. Ví dụ: Trẻ chơi giả vờ nấu ăn, trẻ có kế hoạch hành động liên tục từ chọn thức ăn, nấu thức ăn, bày ra đĩa; trẻ tự đóng vai người nấu ăn; trẻ lấy cái lá cây thay cho cái đĩa.

Kế hoạch hành động là bảng thiết kế chuỗi hành động sao cho tương ứng liên tục với sự kiện diễn ra nối tiếp nhau. Trẻ thường giả bộ những vai có tính khuôn mẫu trong văn hoá xã hội mà trẻ từng thấy trong truyện, trong ti vi… Những đồ vật kèm theo khi chơi giả vờ có chức năng tạo ra khung cảnh.

Khoảng 3 tuổi, trẻ đã có thể chơi giả vờ đơn giản, chuyển dạng đồ vật theo một cảnh chơi. Đến 4-5 tuổi, những ý nghĩ của trẻ về thế giới xã hội được thể hiện trong hầu hết các hoạt động chơi giả vờ. Các cảnh chơi được liên kết với nhau tạo thành một chủ đề phức tạp. Người lớn cùng chơi cần khéo léo chia sẻ ý nghĩa của cảnh chơi và định hướng nội dung cho trẻ mở rộng cảnh, ra dấu và tạo ra lời thoại hướng dẫn hành động.

Những kiểu chơi tưởng tượng cũng xuất hiện trong các hoạt động chơi của trẻ ở độ tuổi này. Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, trẻ coi bản thân và vạn vật chung một tồn tại, vạn vật đều có tâm hồn. Làm bầu bạn với mọi vật là một xu hướng tự nhiên của trẻ, trẻ có thể nói chuyện với một bông hoa hoặc cho rằng ông mặt trời cố ý đi theo nó. Thêm vào đó, trẻ còn lầm nhận ý tưởng và sự thực, trẻ còn tin tưởng rằng những tâm ý của mình có thể ảnh hưởng đến sự vật, những việc làm của chúng có thể làm biến hoá sự vật.

7. Chơi đọc truyện và kể chuyện (Storytelling and Narrative Play)

Khoảng 2-3 tuổi, ngôn ngữ của trẻ phát triển nhanh về lượng từ, trẻ có thể nói câu ngắn 2-3 từ nhưng phát âm còn chưa rõ ràng. Đến 3-4 tuổi, trẻ có thể có tới 1200 từ vựng, có thể hiểu những chuyện đã xảy ra hôm qua và sẽ xảy ra vào ngày mai. Các hoạt động chơi của trẻ đã nối với nhau thành một câu chuyện có sự kiện nổi bật. Cần giúp trẻ dùng ngôn ngữ kể ra những câu chuyện ngầm đó trong mạch chơi. Thêm vào đó, những câu chuyện ngắn với nhiều nội dung do người lớn kể lại được trẻ hiểu và thích thú. Có thể là nhưng câu chuyện từ trong phim hoạt hình, trong truyện có tranh minh họa. Sau đó, chính trẻ sẽ say sưa kể lại theo trí nhớ và trí tưởng tượng của mình. Kiểu chơi đọc truyện và kể chuyện này phát triển đến sau tuổi đi học, những câu chuyện có nhiều tình tiết, nhân vật thần tiên thường được trẻ yêu thích.

 

Cn,TL Nguyễn Thị Thu Trúc

( biên dịch )

( Nguồn : www.tamlytrilieu.com)

Bài viết liên quan