Trò chơi đóng vai trở nên phổ biến khi trẻ có khả năng tái hiện lại những câu chuyện hoặc kinh nghiệm mà trẻ học được. Khi chơi trò chơi này, trẻ cần hiểu rõ mình sẽ vào vai nhân vật nào đó và sử dụng đồ vật để làm công cụ diễn tả cách nhìn cũng như cảm nghĩ của mình về thế giới xung quanh. Khi chơi trò đóng vai, trẻ tự do sáng tạo và học cách xử lý những tình huống mới trong cuộc sống.
Trò chơi đóng vai là một hoạt động tự nhiên giúp trẻ cảm thấy thích thú với môi trường xung quanh, trở nên gần gũi với con người trong cuộc sống, đặc biệt là những đối tượng mà trẻ tiếp xúc hàng ngày. Ngoài ra, trò chơi đóng vai tạo ra nhiều cơ hội để trẻ học cách giao tiếp, học từ mới để diễn tả suy nghĩ bản thân, học cách kiềm chế cảm xúc và cả thực hiện những công việc đời thường.
Trong hoạt động vui chơi đóng vai, cha mẹ sẽ là người hướng dẫn, là khán giả cỗ vũ bé. Chính vì vậy, trẻ sẽ tự tin và hào hứng hơn khi nhập vai. Từ đó mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ trở nên gắn bó hơn.
Vì trò chơi đóng vai là một hoạt động tự nhiên dành cho trẻ, trẻ không cần học cách phải làm sao để “giả vờ”. Tuy nhiên, trò chơi sẽ đạt kết quả tốt hơn nếu cha mẹ và giáo viên có thể chuẩn bị một môi trường tự do để trẻ vui chơi. Hãy ghi nhớ rằng điều quan trọng ở đây là cha mẹ và giáo viên không nên cố gắng kiềm chế hoạt động vui chơi, học hỏi và sáng tạo của trẻ. Để phổ biến trò chơi đóng vai trong lớp học, giáo viên có thể tạo ra một “góc tưởng tượng” với chủ đề khác nhau vào mỗi tháng. Sẽ lý tưởng hơn nếu các bậc phụ huynh cũng được thông báo về chủ đề để họ cũng có thể đóng một vai trong đó. Để tăng cường việc học của trẻ thông qua chơi trò chơi, cha mẹ có thể dẫn trẻ đến cửa hàng, khuyến khích trẻ trò chuyện với người bán hàng, giúp trẻ hiểu hơn về vai diễn của mình.
Bảng dưới đây sẽ chỉ ra 5 bước cơ bản để cha mẹ giúp trẻ thiết lập nên một trò chơi đóng vai thành công:
Bước |
Hoạt động |
Ví dụ |
Bước 1: Phát triển một tình huống |
Quan sát những gì mà trẻ thích và bị ảnh hưởng |
Mua các loại tạp phẩm từ một siêu thị |
Bước 2: Thiết kế trò chơi đóng vai |
Nghĩ ra các ý tưởng để phát triển tình huống tức là đưa ra những vấn đề mà trẻ có thể làm cho trò chơi đóng vai |
Ø Một người mua hàng lên danh sách các món hàng cần mua, nhưng chúng không có sẵn. Ø Một người bán hàng ở đó có thể giúp đỡ với những món hàng thay thế. Ø Một người mua hàng khác đề nghị một món hàng hoàn toàn khác. |
Bước 3: Chuẩn bị về ngôn ngữ |
Giới thiệu từ mới và chuẩn bị phông nền |
Ø Giới thiệu rau và trái cây Ø Những món yêu cầu để nấu bữa tối. |
Bước 4: Chuẩn bị thực sự |
Cung cấp thông tin cụ thể và mô tả vai trò rõ ràng |
Làm những tấm bảng nhắc nhở hội thoại, mô tả rõ vai trò và mục tiêu. Ví dụ: Bảng A: Bạn là một người mẹ đi mua thực phẩm nấu bữa tối. Bảng B: Bạn là người bán bánh đi mua những thành phần để làm bánh v.v. |
Bước 5: Phân vai |
Cho trẻ cơ hội để nghiên cứu vai |
Trẻ có thể hỏi cha mẹ các món nào sử dụng trong bữa ăn tối, hoặc được khuyến khích trẻ vào bếp phụ giúp mẹ để quan sát và nghĩ ra thêm một danh sách các thực phẩm. |
Picnictoy tổng hợp
Nguồn:
[1] Hoàng Vũ Quỳnh Trang (Đơn vị tâm lý), nguồn: Trích từ thông tin Bệnh viện Bà mẹ Trẻ em KK – Singapore, Available: http://bibi.vn
[1] Vai trò của trò chơi đóng vai, [Online], Available: http://www.vietkidsvn.com [16 Apr 2013]