Ở độ tuổi này, bé không thể “chơi” với đồ chơi. Việc chơi với đồ vật bị giới hạn trong giai đoạn này do bé chỉ học hỏi qua những hành động phản xạ cũng như chuyển động cánh tay hoặc đá chân tự nhiên. Ở giai đoạn này, bé sẽ chỉ khám phá thế giới xung quanh bằng mắt và tai. Bé sơ sinh có khả năng tập trung vào đồ vật trong phạm vi 20 cm và khoảng cách tăng dần lên vài chục mét khi thị giác của bé hoàn thiện hơn. Đồ vật để chơi phải được thiết kế có màu sắc tươi sáng, sặc sỡ như vàng, đỏ, có hình dạng xoắn ốc và có độ tương phản cao (đen – trắng). Sách cũng rất tốt cho bé dù bé chưa đọc trong giai đoạn này, cho bé chơi với những cuốn sách có hình ảnh rõ ràng, vẽ hình mặt người và màu sắc sặc sỡ cũng giúp tăng khả năng thị giác cho bé.
Thông qua đồ chơi, bé cũng có thể học hỏi và khám phá thế giới xung quanh với đồ chơi có chuyển động đơn giản, thể hiện mối quan hệ nguyên nhân – kết quả, ví dụ như bé dễ bị thu hút bởi đồ chơi phát sáng, chuyển động hoặc phát ra âm thanh khi được lắc hoặc chạm vào. Bé cũng thích chơi và nhìn chăm chú vào đồ chơi có hình dáng khuôn mặt. Bé sẽ quay đầu về phía phát ra âm thanh và bị thu hút bởi đồ vật phát ra âm nhạc nhẹ nhàng hơn là đồ vật phát ra âm thanh quá lớn hoặc bất ngờ. Chính vì thế, các loại đồ chơi tạo ra tiếng động, có màu sắc tương phản và rực rỡ như lục lạc, chuông treo có tiếng kêu khi có gió thổi qua, đồ chơi bóp kêu "chút chít", chiếc hình treo trên nôi với màu sắc rực rỡ và tiếng nhạc nhẹ nhàng du dương chính là điểm thu hút bé.
Đĩa nhạc giúp bé cảm nhận được giai điệu, kích thích thính giác và cũng là cách kiểm tra trí nhớ của bé. Bạn có thể mở bản nhạc nhiều lần trong ngày. Sau đó ngưng 1 hoặc 2 ngày, rồi mở lại xem bé có nhận ra bài đó không. Bạn sẽ biết được nếu bé nhớ vì bé sẽ đá chân hoặc đột ngột trở nên thích thú hơn.
Bé bắt đầu để ý hơn về thế giới xung quanh vì bé đã biết cử động cổ tương đối. Ở giai đoạn này, bé thích nhìn chằm chằm vào người (vật nuôi) đối diện. Để kích thích thị giác cho bé, cha mẹ có thể gắn những bức tranh khuôn mặt trên tường, cạnh chỗ thay tã (nằm) của bé. Đồ chơi của bé cũng với khuôn mặt cười cũng rất phù hợp.
Sự phối hợp giữa tay và mắt để điều khiển tay nhặt các đồ vật lên chưa được thực hiện một cách có ý thức, tuy nhiên bé vẫn có thể nắm được những thứ được đặt trong tay của chúng trong một thời gian ngắn. Sau 3 tháng tuổi, bé có thể đánh hoặc với tới đồ vật lơ lửng trong tầm tay và bé sẽ bỏ vào miệng đồ vật mà bé lấy được.
Đồ chơi trong giai đoạn này cũng có tác dụng kích thích phát triển trí não. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng lợi ích của việc chơi đồ chơi từ giai đoạn này có ảnh hưởng lớn đến chỉ số IQ của trẻ 3 tuổi. Cho nên, đồ chơi cho bé sơ sinh rất được chú ý kỹ vì thông qua đồ chơi bé nhận biết được kích thước, hình dạng, cấu trúc và màu sắc.
Tấm nệm với nhiều hình dáng họa tiết dùng cho bé vui chơi giúp bé có thể khám phá được các màu sắc, âm thanh cũng như chạm lên chúng.Con rối ngón tay, rối bàn tay cũng là đồ chơi bổ ích cho bé trong giai đoạn này. Bé sẽ bị thu hút bởi các nét mặt đặc biệt và ngộ nghĩnh của các con rối ngón tay, hãy làm cho chúng trở nên sinh động bằng cách ngọ nguậy ngón tay của bạn, có thể phối hợp cử động với một bài hát hoặc một câu chuyện. Bạn cũng nên lưu ý đến những nút áo để làm con mắt của rối vì trẻ thường có khuynh hướng bỏ vào miệng, gây ra nghẹt thở.
Bóng là công cụ tạo ra động lực để bé di chuyển nhiều hơn. Đặt bé nằm sấp và lăn một quả bóng có màu sắc sặc sỡ ra phía trước ngang qua tầm nhìn của bé, cách bé khoảng 60 cm. Đầu tiên bé sẽ chăm chú nhìn quả bóng lăn từ bên này qua bên kia, nhưng sau đó bé sẽ đoán trước được hoạt động này và sẽ đưa tay ra chộp lấy nó trong những lần lăn kế tiếp.
Các món đồ chơi nên được làm bằng cao su không độc hại, giúp bé có thể chơi thoải mái và an toàn khi bé cho vào miệng ngậm. Búp bê bằng vải cũng rất lý tưởng để phát triển xúc giác. Cha mẹ nên chọn loại búp bê có thể lau rửa được như nhung, satin…
Ngoài ra còn có các đồ chơi khác cũng rất phù hợp với bé trong giai đoạn này như đu quay; vòng nhựa lớn; khối xếp hình bằng nhựa; vòng ngậm; trống lắc; thú nhồi bông; sách bằng vải, giặt được; sách có nhạc ru và những bài hát dành cho trẻ em; đồ chơi trong bồn tắm.
Gương soi tuy không phải là đồ chơi dành cho bé nhưng vẫn rất cần thiết trong giai đoạn này vì chúng tạo ra nhiều sự tương tác qua lại với bé. Để tránh không làm bé đau, bạn nên chọn những loại gương không vỡ, được gắn chặt vào tường hoặc xe đẩy.
Sau đây là một số lời khuyên mà Picnictoy đã tổng hợp được trong việc lựa chọn và bảo quản đồ chơi một cách an toàn nhằm giúp việc vui chơi của bé lành mạnh và an toàn.
- Chỉ chọn những đồ chơi thích hợp với tuổi của bé và phải chắc chắn rằng không có bộ phận nào của đồ chơi có thể bị rớt ra khiến cho bé bị chấn thương hoặc bị hóc vào đường thở gây ngạt.
- Cần kiểm tra kỹ các bộ phận như mắt, nút,… của đồ chơi trước khi đưa đồ chơi cho bé. Trong trường hợp cần thiết, cần phải kiểm tra xem các bộ phận này đã được đính vào đồ chơi một cách chắc chắn chưa.
- Nên tháo dây ra khỏi các con thú nhồi bông hay các đồ chơi mềm để bé không nuốt phải các dây này. Nếu đồ chơi có dây, sợi dây không được dài quá 20cm để tránh cho dây có thể quấn quanh cổ bé gây ngạt thở.
- Đừng dùng dây buộc các đồ chơi vào nôi hay ghế xe đẩy, hoặc nếu có dùng thì chỉ chừa ngắn thôi, vì nếu dùng dây dài quá, bé có thể bị dây quấn tay, chân hoặc cổ gây ngạt thở.
- Nên lau chùi đồ chơi sạch sẽ, tốt nhất là bằng dung dịch sát khuẩn. Các đồ chơi bằng nhựa nên được ngâm rửa cẩn thận. Bạn chỉ nên mua hoặc thuê đồ chơi cũ cho bé nếu bạn có thể làm vệ sinh sạch sẽ như vậy trước khi sử dụng.
- Các đồ chơi phát ra âm thanh lớn quá, có thể gây hại cho tính giác của bé, và tác động này có tính tích lũy trong một thời gian dài. Vì vậy đừng bao giờ để các đồ chơi “ồn ào” này gần bé quá. Trong vài tháng đầu, bé chưa thể tự di chuyển khỏi chỗ “ồn ào” đó được hoặc không thể ra dấu hiệu về sự khó chịu do âm thanh gây nên. Thế nên, bạn cần chú ý đến tác hại của âm thanh và nhiều tiếng ồn khó chịu khác nữa.
- Nếu trong nhà có những bé lớn hơn, thường có nhiều loại đồ chơi nhưng có thể không thích hợp hoặc thậm chí gây nguy hiểm cho bé nhỏ nhất. Vì vậy, bạn nên kiểm tra việc các bé lớn để cho bé nhỏ chơi các đồ chơi của chúng và đặc biệt không trộn lẫn các loại đồ chơi của các bé với nhau. Bạn cần quan sát các trẻ lớn và nhỏ chơi cùng với nhau để tránh việc trẻ lớn có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ hơn.
Picnictoy lược dịch và tổng hợp
Nguồn:
- Smith, T. P. (ed.) (2002), Age determination guidelines: Relating children’s ages to toy characteristic and play behavior, Consumer Product Safety Commission, United States
- National Association of Toys and Leisure Libraries (2008), Good toy guide, London, [Online], Available: http://www.toyshopuk.co.uk/charities/natll.php [11 Apr 2013]
- Good Toy Guide, Toys for babies, [Online], Available: http://www.goodtoyguide.com [15 Mar 2013]
- The value of play, British Toy & Hobby Association, [Online], Available: http://www.btha.co.uk [14 Mar 2013]
- National Association for the Education of Young Children, Good toys for young children by age and stage, [Online], Available: http://www.naeyc.org/toys [14 Mar 2013]