Trang chủ Liên hệ

Trí thông minh cảm xúc của trẻ (EQ)

VÕ SÁNG XUÂN VINH 23/03/2022

Trí thông minh cảm xúc là một đề tài nghiên cứu hấp dẫn của nhiều nhà khoa học.

Trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng nhận biết cảm xúc và hiểu cảm xúc của bản thân và người khác. Những hiểu biết về cảm xúc của bản thân cũng như của người khác có thể giúp một cá nhân làm chủ cảm xúc của bản thân, từ đó phát triển khả năng tự chủ, tự tạo động lực hành động mang tính tự nguyện và cải thiên các mối quan hệ với người khác bằng sự cảm thông, tôn trọng. EQ là nền tảng cho sự thành đạt của mỗi cá nhân trong cuộc sống.

Như vậy, nếu một đứa trẻ có chỉ số EQ cao thì trẻ sẽ có khả năng giao tiếp tốt, dễ hòa đồng và thích ứng nhanh với thay đổi môi trường sống. Điều này là vô cùng quan trọng trong hình thành nhân cách và cũng là điều kiện cần để trẻ phát triển toàn diện và nhờ đó, khả năng thành công của trẻ sẽ cao hơn. Ngược lại, nếu trẻ có chỉ số EQ thấp sẽ khó kết bạn, tự ti và có xu hướng trầm cảm. Khi đó, trẻ có thể không thành công trong học tập, đồng thời khó phát triển sư nghiệp vì thiếu các mối quan hệ xã hội.

Có tất cả bốn cấp độ cảm xúc mà một người phải phát triển từ nhỏ bao gồm nhận biết cảm xúc, hiểu được cảm xúc, tạo ra cảm xúc và quản lý cảm xúc.

Nuôi dưỡng và phát triển cảm xúc cho trẻ đầy đủ 4 yếu tố trên ngay từ nhỏ là một công việc quan trọng và có thể quyết định sự thành công trong tương lai của trẻ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự hỗ trợ của đồ chơi có sự tác động tích cực đến nuôi dưỡng và phát triển trí thông minh cảm xúc cho trẻ.

Cấp độ thể hiện cảm xúc - Đồ chơi là phương tiện để bé biểu đạt và giải tỏa cảm xúc

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Châu Giang trong tác phẩm “Năng lực cảm xúc của cha mẹ và số phận của con” khẳng định : cha mẹ cần hiểu được con mình đang buồn, giận, sợ ra sao để mình phản hồi cảm xúc trở lại bằng thái độ và lời nói thể hiện là mình đồng cảm với trẻ. Để hiểu được tâm tư tình cảm của trẻ, cách đơn giản nhất là quan sát trẻ vui chơi.

Cách trẻ đối xử với búp bê chẳng hạn, cũng thể hiện những điều mà trẻ không muốn hoặc không thể nói ra. Khi trẻ cảm thấy cô đơn, trẻ sẽ ôm ấp búp bê để tìm sự đồng cảm. Trẻ cũng có thể giận dữ vứt bỏ đồ chơi. Hoặc khi bế tắc, trẻ sẽ cho xe lửa chạy đến những nơi mà trẻ muốn đến.

Thông qua cách trẻ sử dụng đồ chơi, các bậc cha mẹ có thể kịp thời nắm bắt được cảm xúc của con và tìm cách chia sẻ để con thoải mái hơn. Bé càng biết biểu đạt cảm xúc, chứng tỏ bé là người thông minh, hiểu biết về quy luật nhân – quả. Chỉ khi hiểu được những chuyện gì đang xảy ra xung quanh, bản năng thể hiện cảm xúc mới được phát triển. Dưới sự quan tâm và dìu dắt của cha mẹ, những cảm xúc này sẽ được hoàn thiện hơn. Khi đó, giữa cha mẹ và bé sẽ hình thành được sự đồng cảm. Có sự đồng cảm, trẻ sẽ bộc lộ tâm tình và qua đó cha mẹ dẫn dắt con làm chủ cảm xúc, biết điều khiển cảm xúc trong quan hệ người - người. Như vậy, nhờ đồ chơi, trẻ sẽ học và tìm cách thể hiện cảm xúc, cũng như có thể nhận biết đúng cảm xúc của bản thân mình và cảm xúc của những người xung quanh. Không những giúp cho trẻ học biểu cảm, đồ chơi còn giúp cha mẹ tìm hiểu cảm xúc của con và qua đó có thể đồng cảm với con hơn.

Chơi búp bê giúp bé thể hiện cảm xúc đa dạng hơn. Ảnh minh hoạ

Những món đồ chơi tưởng chừng đơn giản nhưng lại là những biện pháp giải tỏa tâm lý tuyệt vời cho trẻ. Cũng như người lớn thường stress với công việc bận rộn, bé thơ cũng có những lúc căng thẳng với nhiều vấn đề khác nhau. Sở dĩ bé căng thẳng là vì có quá nhiều thứ phải học, bé chưa hiểu về thế giới xung quanh và có ngàn vạn câu hỏi chưa được giải đáp về cuộc sống. Nếu những bế tắc, bức bối này không được giải quyết, bé có nguy cơ đối diện với các chứng trầm cảm, thậm chí tự kỷ.

Để giải tỏa cảm xúc cho bé, không gì giản đơn và tự nhiên hơn là khuyến khích bé làm quen và tập chơi những món đồ chơi đơn giản. Bé có thể chơi vận động, chơi sáng tạo và chơi đóng kịch để thể hiện những suy nghĩ của mình. Trong quá trình vui chơi, bé có thể la hét hoặc phấn khích khác thường. Đó cũng là lúc những căng thẳng trong bé được bộc lộ ra bên ngoài. Hãy để bé được thoải mái trong vui chơi. Sau những khoảnh khắc được giải phóng bản thân như vậy, bé sẽ cảm thấy được tự do và có thể tập trung tốt hơn vào việc tìm hiểu cuộc sống xung quanh và học hỏi kiến thức mới.

Những trò chơi thư giãn như vẽ tranh, dụng cụ âm nhạc cũng là lựa chọn phù hợp cho bé giải tỏa tâm lý. Hãy chú ý đến những hình ảnh và những giai điệu do bé tạo ra trong lúc vui chơi, chúng thường thể hiện cảm xúc và tâm trạng của bé. Khi bé được nói ra suy nghĩ của mình theo cách này, bé sẽ thấy nhẹ nhõm hơn.

Cấp độ nhận biết cảm xúc - Bé học cách chia sẻ cảm xúc khi vui chơi

Bản tính tò mò nguyên thủy của trẻ khiến bé luôn bị thu hút vào những điều mới mẻ xung quanh. Việc quan sát thường xuyên cảm xúc của người khác có thể khơi dậy bản năng chia sẻ ở bé. Bé có thể rèn luyện khả năng chia sẻ cảm xúc với đồ chơi. Khi tham gia chơi tập thể cùng bạn bè như đóng kịch chẳng hạn, bé sẽ dễ hòa đồng và giao tiếp tốt hơn. Đó là nền tảng cho việc phát triển các mối quan hệ xã hội sau này. Bé cũng biết tỏ ra quan tâm, âu yếm cha mẹ khi họ tỏ ra mệt mỏi, không vui.

Trẻ biết đồng cảm và chia sẻ với mọi người nhờ vui chơi. Ảnh minh hoạ

Điều đó chứng tỏ trẻ có khả năng diễn tả và đáp lại các cảm xúc của người khác. Nhờ vậy, trẻ biết lắng nghe, thông cảm và sẻ chia với mọi người hơn.

Cha mẹ có thể giải thích cho bé hiểu sự liên quan giữa những hành vi của bé với cảm xúc của những người xung quanh trong lúc chơi với bé. Hãy rèn cho bé từng chút một cách thể hiện và chia sẻ cảm xúc. Bởi đó chính là những thói quen tốt, dù rất nhỏ song sẽ hình thành cho trẻ một nhân cách đẹp và tâm hồn nhạy cảm.

Trẻ không chỉ nhận biết cảm xúc của người khác mà còn hiểu nguồn gốc những cảm xúc đó, cũng như ảnh hưởng của cảm xúc đó đến mọi người. Từ đó, trẻ sẽ biết điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình - một khả năng rất cần thiết để thành công trong cuộc sống.

Cấp độ kiểm soát cảm xúc - Đồ chơi giúp bé rèn luyện khả năng kiểm soát cảm xúc

Trong quá trình vui chơi, đồ chơi của bé có thể bị hỏng hoặc mất, hãy nhân cơ hội này dạy cho trẻ những khái niệm về xúc cảm và cách trở nên mạnh mẽ hơn trong thể hiện cảm xúc.

Đồ chơi vốn là người bạn thân thiết của trẻ nên khi mất đi trẻ sẽ nếm mùi vị chia ly, buồn bã. Lúc ấy, hãy cho bé biết việc mất mát đó là không thể tránh khỏi và dạy bé cách tiếp nhận. Những sự việc này xuất hiện nhiều lần có thể củng cố và hoàn thiện khả năng chịu đựng cảm giác mất mát, đau buồn cho trẻ. Bé cần xác định được tư tưởng rằng việc bé không thích vẫn có thể xảy ra và phải làm sao để tự chủ cảm xúc trong những trường hợp đó. Nhờ vậy, trẻ sẽ có khả năng tự quản lý được cảm xúc của mình, cư xử hợp lý để dễ dàng hòa đồng với tập thể.

Ngoài ra, đồ chơi cho bé đóng kịch rất tốt cho việc tự chủ cảm xúc. Nhất là đối với các bé có biểu hiện cảm xúc bướng bỉnh, hay giận dỗi và bực dọc với mọi người xung quanh. Hãy cho bé tham gia vào trò chơi sắm vai nhân vật để bé học những quy tắc ứng xử sao cho đúng mực. Khi trẻ biết làm theo các nguyên tắc của trò chơi và khuyến khích trẻ khác chơi theo nguyên tắc này, chúng sẽ phát triển thói quen tự kiểm soát cảm xuc tốt hơn.

Đối với những bé có biểu hiện cảm xúc e dè, nhút nhát, cha mẹ có thể tặng cho con những quyển sách về viết về lòng dũng cảm, sự tự tin hoặc những món đồ chơi siêu anh hùng kết hợp cùng những câu chuyện về nhân vật đó có thể làm những gì. Khi bé được bầu bạn với những đồ chơi hữu ích này, bé sẽ được kích thích học hỏi để trở nên can đảm và hoạt bát hơn. Hãy cùng chơi với con và tìm cho con một môi trường vui chơi tập thể để bé mạnh dạn và tự tin hơn.

Để bé được quan sát cách bạn bè giải quyết vấn đề cảm xúc và tự nhận ra những khiếm khuyết của mình. Lúc đó, bản thân bé sẽ được dạy một bài học về điểu chỉnh cảm xúc phù hợp trong ứng xử giao tiếp tốt hơn.

Picnictoy tổng hợp

Nguồn:

  1. http://tamlytreem.com
  2. Bài nghiên cứu của Th.s Phạm Thị Thúy

Bài viết liên quan