Ở thời đại 4.0 này, chúng ta đã từng biết nhiều cô, cậu bé tuy tuổi nhỏ nhưng khả năng giao tiếp và nói chuyện trước đám đông chẳng hề kém cạnh bất kỳ người lớn nào, thậm chí là còn lưu loát hơn nhiều lần và lại còn rất khôn khéo. Vậy để trẻ đạt được kỹ năng giao tiếp rất tốt như thế, Cha Mẹ nên tập trung vào kỹ năng nào cho con ngay từ nhỏ?
Câu trả lời chính là kỹ năng thuyết trình, thứ mà nhiều người trong chúng ta vẫn tưởng là nó còn quá sớm cho một đứa trẻ. Sau thời gian dài có cơ hội kiểm chứng trong quá trình làm việc, Picnictoy nhận thấy đây là một trong những kỹ năng cần thiết bậc nhất để giúp trẻ đạt được thành công trong quá trình học và sự nghiệp sau này. Vậy thì, chúng ta nên dẫn dắt trẻ đi qua những bước nào trong quá trình phát triển kỹ năng quan trọng này?
1. Thuyết trình về một chủ đề gần gũi
Rất đơn giản, từ những buổi sinh hoạt tại gia, Cha Mẹ có thể tổ chức định kỳ theo tuần hoặc cách 2 tuần 1 lần, cả nhà cùng ngồi lại chia sẻ với nhau về một chủ đề bất kỳ: có thể là một quyển sách hay mà mình tâm đắc, một món ăn khoái khẩu và cách chế biến nó, hay một địa điểm du lịch nổi tiếng và những lý do tại sao nên ghé thăm, v.v.
Chẳng những là chia sẻ, trong quá trình tiếp nhận thông tin, Cha Mẹ và các bé hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi để làm rõ hơn hoặc phản biện cùng nhau, qua đó lại song song phát triển thêm một kỹ năng khác cũng cực kỳ quan trọng, chính là tư duy phản biện (critical thinking).
Để nói về một chủ đề, đòi hỏi trẻ cần phải tìm hiểu trước và thu thập các thông tin liên quan, cả quá trình này sẽ dần trở thành một vòng tuần hoàn giúp trẻ không ngừng cập nhật kiến thức xung quanh và nói về nó càng ngày càng trôi chảy, từ đó tạo dựng thói quen cho trẻ biết sắp xếp ý tứ trước khi nói, trong câu nói và sau đó tìm cách diễn đạt theo một trình tự tự nhiên nhất để người nghe hiểu được ý kiến, câu chuyện của mình.
2. Xem các video tư liệu online về thuyết trình
Không gì hiệu quả hơn khi Cha Mẹ muốn cho trẻ cải thiện kỹ năng nào đó bằng việc để trẻ trực tiếp nhìn thấy các bạn đồng trang lứa của mình thực hiện kỹ năng đó. Các con sẽ được củng cố niềm tin rằng mình cũng làm được giống như các bạn và trở nên tự tin hơn bội phần.
Cha Mẹ cũng có thể cho con xem video của người lớn thuyết trình để đúc kết ra những điểm hay ho và từ đó học hỏi theo. Hãy nhớ đừng để con khám phá và học một mình, Cha Mẹ cần tham gia cùng con và cùng nhau trao đổi sẽ hiệu quả hơn nhé! Con thấy người nào nói hay nhất? Mỗi người có những điểm mạnh nào mà con còn thiếu? Và rất nhiều những câu hỏi khác liên quan đến tư liệu để cả nhà thảo luận với nhau.
3. Cho con chơi đồ chơi đóng vai
Đồ chơi đóng vai liên quan rất mật thiết đến khả năng tưởng tượng và kiểm soát cảm xúc của trẻ, đặc biệt sự tự tin của trẻ. Khi các con hóa thân vào nhân vật mình thích, điều Cha Mẹ thường thấy nhất là con sẽ tự nghĩ ra các đoạn hội thoại liên quan đến nhân vật đó trong quá trình chơi, ví dụ như khi trở thành chú lính cứu hoả, con sẽ có thoại cho các nhân vật: người gặp nạn cần cứu giúp, tài xế lái xe cứu hỏa, đồng nghiệp lính cứu hoả khác, v.v. Đây chính là bước đệm để con cải thiện khả năng giao tiếp trong đời sống thực và từ đó trở nên tự tin khi tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều người, cũng là yếu tố cần thiết nhất để sau này con có thể đứng trước đám đông và thuyết trình, hùng biện rành mạch.
Có thể thấy kỹ năng thuyết trình giờ đây đã trở thành một trong những “kỹ năng hội nhập” không thế thiếu cho các con - những “công dân năng động” tương lai. Hy vọng với các chia sẻ bổ ích trên, Picnictoy đã phần nào giúp Cha Mẹ đơn giản hoá quá trình làm quen với kỹ năng thuyết trình cho trẻ. Nếu vẫn cảm thấy quá khó, Cha Mẹ hãy bắt đầu từ đồ chơi đóng vai, vừa là người bạn tinh thần cho tuổi thơ của trẻ và cũng là công cụ hỗ trợ cực kỳ hiệu quả để giúp bé tự tin, giao tiếp hoạt bát hơn từng ngày nhé!