Trong giai đoạn từ 9 đến 12 tháng tuổi, bạn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc khi được chứng kiến những bước đi đầu đời của bé. Lúc đầu bé có thể cần bạn dìu đi nhưng về sau, bé sẽ đi một cách vững vàng và tự tin hơn.
Nhiều công trình khảo sát khác nhau cho rằng trong 100 em bé ở độ tuổi này thì chỉ có khoảng 50 bé là có thể tự bước đi mà không cần có người dìu tay. Cho nên, bạn cũng không cần quá lo lắng nếu như bé vẫn chưa thể tự bước đi được. Thông thường, các bé gái biết đi sớm hơn bé trai. Và có một thực tế mà các bậc cha mẹ cần biết rằng việc bé biết đi sớm hay muộn không đồng nghĩa với quá trình phát triển trí thông minh của bé. Nếu bé biết đi chậm cũng không có nghĩa bé thiếu thông minh hơn những bé biết đi sớm hơn.
Đồ chơi cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc hỗ trợ quá trình tập đi của bé. Bạn có thể mua cho bé những loại xe đẩy kèm theo đồ vật nho nhỏ để chất lên thùng nhằm tạo ra động lực cho bé di chuyển thêm. Đối với xe tập đi có gắn thêm bánh xe, bạn nên giám sát kỹ vì khả năng di chuyển của bé vẫn chưa được thành thạo. Cha mẹ cần kiểm soát kỹ tốc độ đi vì khi xe tập đi di chuyển nhanh hơn tốc độ của bé, bé có thể bị ngã. Ngoài ra, xe tập đi không thể giúp được bé tập đi nếu như bé chưa sẵn sàng cho việc này. Mặc khác, phần hông của bé lúc ngồi trong xe tập đi có thể nằm ở góc độ không đúng (có thể có một chân thò ra ngoài dài hơn chân kia) nên bạn cần kiểm tra kỹ tư thế của bé để tránh gây tác hại về lâu dài đến sự phát triển của bé.
Điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho bé trong giai đoạn này là tạo ra một môi trường mà trong đó bé được thoải mái di chuyển bằng bất kỳ động tác và tư thế nào. Cơ thể của bé sẽ tự điều chỉnh với sự phát triển của kỹ năng vận động thô. Nếu bé thích bò, bạn cứ để cho bé bò còn nếu bé thích đi, hãy là người dìu dắt cho bé đi một cách tự tin. Môi trường tốt nhất cho bé tập đi là trong phòng thoáng mát, với thảm tập đi dầy có nhiều hình ảnh vui mắt và sống động để bé vừa tập đi vừa tìm hiểu, phát triển giác quan, nhận thức.
Vì khả năng di chuyển của bé phát triển hơn rất nhiều trong khi nhận thức về những mối nguy hiểm của bé còn hạn chế nên vấn đề an toàn trở nên vô cùng quan trọng mà bạn cần quan tâm đến. Trí nhớ của bé cũng chưa đủ phát triển để bé có thể nhớ lâu và làm theo những lời bạn dặn. Do đó, bạn vẫn đóng vai trò chủ yếu trong việc giúp bé học và chơi một cách an toàn. Sau đây là một số gợi ý đã được đúc kết lại từ kinh nghiệm của một số bậc cha mẹ. Sàn nhà là một trong những yếu tố đầu tiên bạn cần lưu ý tới. Nếu sàn nhà có lót gỗ, tấm nhựa vinyl hoặc bằng gạch men láng (nhẵn) thì tốt nhất bạn đừng cho bé mang vớ vì bé có thể bị té ngã. Mang giày có đế cao su mềm, hoặc vớ chống trượt sẽ tốt hơn, do chúng có độ bám tốt hơn.
Những đồ vật dễ vỡ và sắc nhọn trong nhà nên được để khuất tầm mắt của bé. Nếu bé khăng khăng đòi những đồ vật này, bạn có thể kiếm trò chơi mới hoặc đồ chơi hấp dẫn hơn để làm bé phân tâm và quên đi điều mình cần muốn. Nên nhớ, cách tốt nhất để tạo ra một môi trường an toàn cho bé là hãy đặt bạn vào vị trí của bé. Nhờ đó, bạn có thể xem xét mọi thứ trong phòng theo góc nhìn của bé.
Picnictoy tổng hợp