Người Việt có truyền thống “cha truyền con nối” đã không còn xa lạ từ bí quyết kinh doanh cho đến lối giáo dục, nuôi dạy con trẻ, đặc biệt là với các gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, con trẻ sẽ phần nào ít nhiều chịu ảnh hưởng từ các quy tắc nuôi và dạy con từ thời ông bà để lại.
Nhưng chúng ta phải dần hiểu ra một điều, là có những thứ đã không còn đúng hoàn toàn trong thời đại ngày nay nữa, hay thậm chí còn là quan niệm sai lầm. Một số những sai lầm phổ biến trong lối giáo dục con mà các gia đình Việt thường mắc phải có thể kể đến gồm 5 điều dưới đây:
Bắt con sống theo nguyện vọng của Cha Mẹ
Nhiều Cha Mẹ chỉ vì muốn nở mày nở mặt với người thân, hàng xóm mà không tiếc biện pháp nhằm ép con phải sống cuộc đời “rập khuôn” đã được Cha Mẹ định sẵn, từ nghề nghiệp, năng khiếu đến trường học và tệ hơn đôi khi là quyết định cả những bạn bè mà con được tiếp xúc. Việc này thực chất rất nguy hiểm vì dạo gần đây như chúng ta đều thấy, các tin tức con trẻ từ những ức chế cuộc sống hoặc căng thẳng tột độ của việc học hành, thi cử đã tự vẫn, rồi để lại tâm thư nhắn nhủ khiến gia đình vô cùng nuối tiếc.
Giống như khi ép một con cá phải biết leo cây, Cha Mẹ hành động như vậy đang vô hình chung đẩy các con vào đường cùng khi chúng không được sống cuộc đời chúng muốn, và những suy nghĩ bồng bột của các con cuối cùng lại dẫn đến những kết cục không thể sửa chữa.
Không dạy con cách kiềm chế cảm xúc
EQ thường là yếu tố bị xem nhẹ trong lối giáo dục con cái của các gia đình Việt từ xưa, mặc dù ngày nay nhiều Cha Mẹ trẻ đã bắt đầu chú tâm đến việc cân bằng IQ và EQ cho con, nhưng đa số các con vẫn chưa được dạy cách kiềm chế và bày tỏ cảm xúc của bản thân một cách bài bản. Chỉ cần Cha Mẹ đơn giản là hành động và để con nhìn thấy, tự khắc chúng sẽ học được và bắt chước theo, ví dụ thay vì nổi nóng và quát mắng con ở đám đông khi con vòi vĩnh một món đồ chơi, Cha Mẹ hãy từ tốn giải thích và phân tích để con hiểu con có thật sự cần món đồ đó hay không, và có thể ưu tiên cho thứ gì khác tốt hơn.
Song song đó, để con chơi đồ chơi đóng vai cũng là một cách bổ trợ rất tốt để con phát triển khả năng giao tiếp và bộc lộ, trao đổi những suy nghĩ của bản thân.
Không dạy con cách tự chăm sóc bản thân
Dạy con tự lập và biết cách chăm sóc bản thân bằng những điều cơ bản nhất từ khi con còn nhỏ, thật ra là hợp lý chứ không phải quá sớm như nhiều người vẫn nghĩ. Và trái ngược với điều đó, bao bọc con quá mức lại là một cách “hại con” rất nhanh khi nhiều bé đến cấp 3 cũng chỉ biết xoay quanh việc ăn, học và sinh hoạt cá nhân. Ngoài ra các công việc nhà tưởng chừng như đơn giản khác, ngạc nhiên thay là các con lại không biết cách làm hoặc làm rất vụng về. Bản năng sinh tồn của một đứa trẻ từ lúc sinh ra đã có, Cha Mẹ hãy đừng vì quá thương con mà vô tình dần khiến bản năng ấy mai một và mất đi nhé.
Tạo thói quen để con nhượng bộ và lấn lướt
Để trẻ trình bày ý kiến và suy nghĩ của mình, cũng như chấp nhận lắng nghe và tôn trọng chúng là một cách rất tốt để rèn luyện khả năng trao đổi và phản biện cho con từ nhỏ. Tuy nhiên, Cha Mẹ phải rạch ròi ranh giới cho con để con biết đâu là “bình đẳng” thảo luận và đâu là “lấn lướt” người khác. Một khi đã nhượng bộ con, để con nắm thóp được cách vòi vĩnh một món đồ chơi, một món ăn vặt, v.v. ấy là Cha Mẹ đã tạo lối mòn để con bước đi.
Để con nghĩ mình là “trung tâm vũ trụ”
Không cần nói đâu xa, những hành động nhỏ như khi con té ngã, Cha Mẹ lập tức xuýt xoa dìu con dậy và trách móc những yếu tố ngoại quan; hay khi con bị bạn bè tranh giành một món đồ chơi, Cha Mẹ liền năn nỉ và tìm mọi cách để lấy lại bằng được món đồ cho con, v.v. Con dần sẽ hình thành suy nghĩ chỉ cần mình bị bất kỳ tác động xấu nào dù là nhỏ nhất, cũng sẽ có người đứng ra đấu tranh và làm mọi thứ có thể để con có được điều mình muốn, mình là “người quan trọng nhất” mà ai cũng phải nhường nhịn.
Vì vậy, làm Cha Mẹ là một thiên chức cao cả nhưng cũng lắm gian nan. Chỉ cần sơ suất để cách uốn nắn một đứa trẻ không đúng mực là có thể làm hỏng cả tương lai của con. Cha Mẹ hãy luôn cập nhật những phương pháp và bí kíp nuôi dạy con tiên tiến, để các con sẽ trở thành những thế hệ nối dõi đáng tự hào của chính mình nhé!